Những trầm tích cổ kính lưu truyền hàng nghìn năm qua đã làm cho chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) không hổ danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam”. Nơi đây ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương tới cầu may mỗi dịp Xuân về.
Rất đông người dân tìm về Chùa Hương Tích ngày đầu xuân.
Điển tích kỳ thú
Chùa Hương Tích là một danh lam cổ tự nổi tiếng tọa lạc trên dãy Hồng Lĩnh, từ xưa nơi đây là một trong 21 danh thắng nổi tiếng nước Nam, được vua Minh Mạng chọn là hình tượng tiêu biểu của quê hương Hà Tĩnh và cho khắc vào Anh đỉnh năm 1835.
Theo sử sách, chùa Hương Tích được xây dựng vào đời Trần (thế kỷ XIII), tương truyền là nơi công chúa Diệu Thiện (con gái thứ 3 của vua Sở Trang Vương) tu hành và đắc đạo vào ngày 18/2 âm lịch, cũng là ngày chính lễ.
Quần thể di tích danh thắng Chùa Hương - Núi Hồng gồm nhiều di tích, kỳ quan có giá trị như Khu vực chùa chính, Nền Trang Vương và Am Phật Bà, Am Bát Cảnh, Miếu Cô, động Tiên Nữ... Nơi đây thường có mây mù bao phủ, mang vẻ đẹp huyền bí nhưng không kém phần cổ kính, trang nghiêm.
Chùa Hương ở Mỹ Đức (Hà Nội) chỉ là “phiên bản” của danh lam này. Là vì, vào thời Lê - Trịnh, các vua Lê - chúa Trịnh phần lớn quê ở xứ Thanh nên các phi tần, mỹ nữ đa số được chọn tuyển ở miền Hoan Châu. Hằng năm các cung phi, cung nữ Thanh - Nghệ thường trẩy hội chùa Hương trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18/2 âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò bây giờ).
Trò chơi truyền thống được gìn giữ và phát huy tại lễ hội.
Mỗi lần những "người đẹp” đi xa như vậy khiến chúa Trịnh rất phân vân. Do đó, chúa Trịnh mới gọi một vị hòa thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Sơn Bình để xây chùa Hương Tích thứ hai mà thờ vọng để các "người đẹp” đi trẩy hội gần hơn. Như vậy nhờ "sáng kiến” của chúa Trịnh mà nước ta có hai Chùa Hương nổi tiếng.
Truyền thuyết Chùa Hương Tích là chốn nổi tiếng linh thiêng. Ai sống trên cõi đời có những trắc trở, buồn đau, gập gềnh, oan trái... thường về chùa, trước là thắp nén hương cầu xin Chư Phật, cầu xin bề trên phù hộ cho cuộc sống được bằng an, vô lượng. Xưa kia, chúa Trịnh cũng vào chùa Hương Tích, Ngàn Hống cầu tự và sinh thế tử...
Siết chặt an ninh
Đến chùa Hương Tích, du khách không chỉ được thưởng ngoạn những cảnh sắc tuyệt đỉnh, được hòa mình vào không gian sơn thủy hữu tình, điểm du lịch tâm linh thanh tịnh, mà đây còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống được nhiều người mến mộ.
Hàng năm, Ban tổ chức đề ra kế hoạch tổ chức Lễ khai hội Chùa Hương hết sức bài bản vào ngày mồng 6 Tết, bao gồm phần lễ và phần hội. Tuy nhiên, năm nay, Ban tổ chức quyết định chỉ tổ chức phần hội với các trò chơi truyền thống như đấu vật, kéo co, chọi gà, còn phần lễ tập trung cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu.
Ông Lê Duy Vỵ - Trưởng ban quản lý khu di tích Chùa Hương cho biết: “Phần hội năm nay chúng tôi tập trung tổ chức giải đấu vật toàn tỉnh, giải kéo co toàn huyện Can Lộc và chọi gà. Những trò chơi truyền thống này thu hút rất đông người tham gia và được duy trì hằng năm góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống của quê hương”.
Mặc dù ngày mồng 6 Tết mới khai hội nhưng từ sáng mồng 1 đã có hàng chục vạn lượt người từ khắp các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng… nườm nượp về chùa Hương Tích. Ngày cao điểm có đến 12 vạn người đến du ngoạn.
“Năm nay, Ban quản lý chùa Hương Tích đã bố trí 10 mắt camera tại các điểm đông người nhằm hạn chế vấn đề móc túi, cướp giật, không còn tình trạng ăn xin dọc đường, lực lượng công an, cán bộ y tế được huy động rất đông, đảm bảo tối đa vấn đề an ninh, sức khỏe cho mọi người”- ông Vỵ cho biết thêm.