Văn hóa

Vẫn nhức nhối với bản quyền

Việt Hà 25/04/2025 09:04

YouTube, Spotify, TikTok hay các dịch vụ stream nhạc... đã mở ra một "cao tốc" mới, đưa các tác phẩm âm nhạc đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, bản quyền vẫn là vấn đề khiến cả nghệ sĩ, nền tảng và người dùng phải đau đầu, hàng loạt lỗ hổng khiến quyền lợi của nghệ sĩ và nhà sản xuất bị ảnh hưởng.

Sân chơi khốc liệt

Chưa bao giờ nghệ sĩ lại có nhiều cơ hội tự do sáng tác và lan tỏa cá tính âm nhạc trên các nền tảng số như hiện nay. Nhiều MV sản xuất thủ công với chi phí thấp vẫn có thể "gây sốt" mạng xã hội, lan tỏa nhanh chóng và thu hút hàng triệu lượt xem, trở thành “hot trend” trên các nền tảng mạng xã hội. Các nền tảng số không chỉ giúp giảm chi phí phát hành mà còn tạo điều kiện để nghệ sĩ tiếp cận thị trường quốc tế, hợp tác xuyên biên giới.

Có thể nói, sự bùng nổ của các nền tảng số đã giúp âm nhạc "phổ cập hóa" rất nhanh, rất mạnh nhưng đồng thời cũng tạo ra một sân chơi khốc liệt, nơi nhiều nghệ sĩ phải trầy trật để lo bảo vệ tác quyền của mình. Một bài hát có thể bị dùng làm nhạc nền cho hàng nghìn video mà không xin phép. Một tác phẩm dễ dàng bị người ta đạo nhái, cover lại mà nghệ sĩ không hề được ghi nhận hay chia sẻ doanh thu...

Anh bai chinh ngay 24-4
Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong chương trình giao lưu với chủ đề: "Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ". Nguồn ảnh: VCPMC

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong chương trình giao lưu với chủ đề: "Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ". Nguồn ảnh: VCPMC

Tình trạng xâm phạm bản quyền, sao chép trái phép tác phẩm, đăng tải nội dung không được sự cho phép ngày càng phổ biến. Nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các tác giả trẻ, đã bị đánh cắp ý tưởng, bị lợi dụng tác phẩm để thu lợi bất chính mà không hề nhận được quyền lợi.

Trong khi, một số nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ vẫn còn thiếu kiến thức pháp lý nên ngại lên tiếng. Hoặc tâm lý “chờ được mạ, má đã sưng” nên đành ấm ức chịu thiệt. Ngoài ra, nhiều trường hợp, khi lên tiếng thì đã quá muộn – sản phẩm đạo nhái đã lan truyền khắp nơi.

Giới chuyên gia nhận định, hiện nhiều nghệ sĩ vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền sớm. Trong khi đó, các hành vi vi phạm lại diễn ra tinh vi, nhất là giờ người ta dễ dàng đưa công nghệ AI vào để biến tấu âm nhạc, chỉnh lời rồi phát hành như một sản phẩm mới. AI đang bị lợi dụng để thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền tinh vi và ngày càng khó kiểm soát.

Đơn giản như chỉ cần một đoạn nhạc mẫu, AI có thể tạo ra một bản phối (remix), bản phối này vẫn giữ được chất liệu âm nhạc ban đầu nhưng lại biến hóa bằng cách thay đổi giọng hát, chuyển phong cách từ pop sang acoustic, từ giọng nam thành nữ… khiến nhiều người mặc dù biết đó là “hồn cốt” bài nhạc của mình nhưng lại thiếu bằng chứng xác thực để khẳng định bản quyền.

Ngoài ra, Luật bản quyền hiện vẫn còn dựa trên các mô hình phân phối nội dung truyền thống (phát thanh, đĩa CD, biểu diễn trực tiếp), trong khi ở thời đại số, khái niệm về "sao chép", "phân phối", "truyền đạt công cộng"... trở nên mơ hồ, bởi hiện khi một đoạn nhạc được remix, cover hay gắn vào video TikTok rất khó để nói có vi phạm bản quyền hay không.

Bảo vệ bản quyền không chỉ là bảo vệ nghệ sĩ

Có thể nói, tình trạng xâm phạm bản quyền, sao chép trái phép tác phẩm, hay đăng tải nội dung không có sự cho phép diễn ra với tần suất ngày càng cao trên các nền tảng số.

Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và thực thi bản quyền tác giả đang trở nên cấp thiết.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - tác giả của bản hit “Vầng trăng khóc” cũng đồng thời là thành viên tham gia Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, cho biết: Việc bảo vệ quyền tác giả rất quan trọng trong thời đại công nghệ số, nơi mà tất cả những sản phẩm âm nhạc đều được số hóa và được khai thác triệt để trên không gian mạng.

“Tôi đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khai thác thu phí toàn bộ tác phẩm” - vị nhạc sĩ cho biết đồng thời chia sẻ ông là nhạc sĩ đầu tiên nhờ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam làm đại diện để khởi kiện bản quyền quốc tế thành công và đã được trao trả lại quyền tác giả hợp pháp cho tác phẩm “Vầng trăng khóc”.

Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sĩ, NSƯT Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện có 5 tổ chức Quản lý Tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là tổ chức duy nhất được nhà nước cho phép đại diện bảo vệ quyền lợi cho nhạc sĩ. “Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam không chỉ tập trung rà soát để tối đa hóa nguồn thu, mà còn có nhiều biện pháp xử lý và hạn chế tối đa các trường hợp xâm phạm bản quyền bằng các biện pháp công nghệ hay yêu cầu xử lý hành chính dân sự theo các quy định của pháp luật, thậm chí khởi kiện tại tòa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả - chủ sở hữu tác phẩm” – ông Cẩn nhấn mạnh.

Ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, để bảo vệ bản quyền tác phẩm của mình, nghệ sĩ cần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền kịp thời cho tác phẩm. Cùng với đó, cộng đồng người nghe cũng nên tôn trọng giá trị lao động nghệ thuật bằng cách sử dụng sản phẩm từ nguồn chính thống. Bởi bảo vệ bản quyền không chỉ là bảo vệ nghệ sĩ, mà còn là bảo vệ sự phát triển bền vững của cả ngành công nghiệp âm nhạc.

Cùng với đó, các nền tảng như YouTube, TikTok, Spotify… cần nâng cao tiêu chuẩn kiểm duyệt nội dung, kiểm tra nguồn gốc bản quyền trước khi cho phép đăng tải. Các cơ quan chức năng tăng cường chế tài xử phạt, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi cố ý xâm phạm bản quyền quy mô lớn. Cần có các chiến dịch truyền thông, giáo dục cộng đồng về việc “nghe nhạc có trách nhiệm”, không chia sẻ, tải về hoặc lan truyền các bản nhạc không rõ nguồn gốc.

Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nếu chúng ta thực hiện tốt vấn đề bản quyền sẽ khuyến khích được sự sáng tạo, động viên các nghệ sĩ, các nhà đầu tư đầu tư hơn nữa vào các sản phẩm âm nhạc. Người nghệ sĩ không cần quan tâm nhiều đến vấn đề bảo vệ tác quyền nữa vì đã có các cơ quan nhà nước, các trung tâm, bảo vệ bản quyền, họ sẽ chỉ tập chung vào sáng tác.

“Chúng ta hãy chung tay để có một nền âm nhạc Việt Nam phát triển, chung tay để có một nền công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa thực thi tốt vấn đề bản quyền, khuyến khích sáng tạo và vươn ra thế giới” - bà Oanh nhấn mạnh.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 hàng năm là “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Năm 2025, WIPO đã công bố chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là: Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ. Đây là cơ hội để chúng ta tôn vinh sự đóng góp của các chủ thể sáng tạo, nhà sáng chế và doanh nhân, những người đã mở rộng giới hạn của sự sáng tạo và đổi mới để tạo ra các tác phẩm âm nhạc kết nối công chúng, khơi dậy cảm xúc, định hướng cho sự thay đổi và truyền cảm hứng cho một tương lai đổi mới sáng tạo hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn nhức nhối với bản quyền