Quá nhiều hội thảo cũng như quá nhiều giấy mực đã bàn về tranh chấp ở khu chung cư, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Riêng vấn đề phí bảo trì cũng đã từng khiến Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà phải giải trình trước Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Thực tế cho thấy, việc giải quyết các tranh chấp, cân bằng 3 bên bao gồm chủ đầu tư, ban quản trị và chính quyền địa phương tới nay vẫn chưa có hồi kết.
Tranh chấp chung cư vẫn diễn biến phức tạp.
Nhu cầu nhà ở luôn là vấn đề nóng và tranh chấp chung cư vẫn xảy ra khi nhà đầu tư và người mua nhà không tìm được điểm chung, bên nào cũng muốn bảo toàn quyền lợi tối đa cho mình. Nếu như ở trên phạm vi cả nước có gần 1.800 chung cư thương mại thì các vụ tranh chấp đến quyền lợi cũng tương đương với con số trên.
Chỉ trên địa bàn Hà Nội những vụ kiện tụng kéo dài từ năm này qua năm khác không quá khó để kể tên, khiến chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cùng đau đầu.
Tranh chấp liên quan đến chung cư ngày càng nhiều thêm, chủ yếu tranh chấp về diện tích sở hữu và sử dụng chung, quản lý, sử dụng kinh phí vận hành, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, sử dụng kinh phí bảo trì sở hữu chung, hội nghị nhà chung cư, chất lượng công trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cư dân…
Có 3 loại tranh chấp liên quan đến chung cư, gồm tranh chấp về sở hữu chung giữa tập thể cư dân, Ban quản trị, chủ đầu tư (nơi để xe, quỹ bảo trì, nhà sinh hoạt cộng đồng); tranh chấp trong quá trình quản lý, vận hành chung cư (phí quản lý, phí trông giữ xe) và tranh chấp cá nhân giữa người mua nhà và chủ đầu tư (cách tính diện tích căn hộ, thu thuế VAT, vật liệu xây dựng…).
Ngày 9/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg yêu cầu tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Nhưng theo thời gian các vướng mắc nhà chung cư, nhưng trên thực tế các vấn đề bất cập mới luôn nẩy sinh. Chưa kể pháp luật hiện hành còn nhiều quy định chưa phù hợp, không rõ ràng, quy định gây hiểu nhầm. Việc áp dụng mô hình Hội đồng Quản trị của công ty cổ phần, Hội đồng Quản trị của hợp tác xã cho Ban Quản trị chung cư hiện có nhiều cách hiểu khác nhau và có sự xung đột với các quy định trong Luật Nhà ở, Thông tư 02/2016/TT-BXD…
Hiện Bộ Xây dựng đang tập hợp lấy ý kiến của các chuyên gia, bộ ngành liên quan... để sửa và ban hành thay thế Thông tư 02/2016/TT-BXD về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Các nội dung Ban quản trị, Quỹ bảo trì, Quy chuẩn tiêu chuẩn... sẽ được sửa ngay trong năm 2019.
Cùng đó, Thông tư cũng sẽ quy định rõ về điều kiện, tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị theo hướng khuyến khích những người có trình độ chuyên môn nhất định như xây dựng, tài chính, pháp luật… tham gia ứng cử thành viên Ban quản trị. Đặc biệt, quy định về chủ tài khoản theo hướng đồng chủ tài khoản. Như vậy, chủ tài khoản có thể gồm từ 3-5 thành viên Ban quản trị; trong đó phải có đủ các thành phần từ đại diện của cư dân, đại diện chủ đầu tư và cả đại diện UBND cấp quận nơi có nhà chung cư. Ông Nguyễn Trần Nam- nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng từng nói rằng câu chuyện tranh chấp ở chung cư thường liên quan đến 3 bên bao gồm chủ đầu tư, ban quản trị và chính quyền địa phương. Chúng ta muốn đưa ra các chính sách hài hòa được “3 đỉnh tam giác” nhưng nếu không thể hài hòa được thì chúng ta nên bảo vệ quyền lợi của người dân. Bởi họ là phe yếu, không có tiềm lực kinh tế, hiểu biết chưa cao, mối quan hệ ít, trong khi doanh nghiệp nào cũng có đầy đủ bộ pháp chế, luật sư, các hồ sơ đều làm chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Vì thế mới nói, “tháo ngòi nổ” tranh chấp chung cư không dễ, nhưng không thể vì khó mà không làm.