Sau đề xuất thay đổi cách thức tổ chức lễ hội cướp Phết truyền thống Hiền Quan (Phú Thọ), mới đây Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc đã tổ chức tọa đàm, trao đổi nhằm thống nhất công tác tổ chức, đề xuất thay đổi hình thức phù hợp đối với lễ hội Đả cầu cướp Phết tại xã Bàn Giản. Theo đó, Lễ hội vẫn được tổ chức hàng năm.
Hình ảnh khó coi tại Lễ hội cướp Phết Hiền Quan - Phú Thọ.
Đề nghị thay thay đổi hình thức tổ chức lễ hội cướp Phết
Thực tế đã ghi nhận, nhiều năm trở lại đây lễ hội thu hút ngày càng đông du khách thập phương, xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng phản cảm, bạo lực.
Liên tiếp xảy ra tình trạng lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, thiếu chuẩn mực trong hành vi ứng xử… ở các lễ hội cướp phết tại một số địa phương đã khiến cho lễ hội nói chung và nghi lễ truyền thống trong các lễ hội cổ truyền bị nhìn nhận theo hướng tiêu cực.
Chính vì thế trong tháng 8/2016, Bộ VHTT&DL đã có công văn đề nghị các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc nghiên cứu, đề xuất thay đổi hình thức tổ chức phù hợp đối với lễ Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) và lễ hội Đả cầu cướp phết (xã Bản Giàn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Đây là 2 lễ hội gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội vì hành vi tranh cướp mang tính bạo lực.
Theo Bộ VHTT&DL, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cần loại bỏ hoặc thay thế các tập tục không còn phù hợp; không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực; mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, rùng rợn, kinh dị…
Vì lẽ đó hệ thống các văn bản quản lý này hướng tới mục tiêu trọng tâm là chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp mang tính bạo lực, gây mất an toàn cho nhân dân và du khách, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa trong lễ hội.
Bộ VHTT&DL đề nghị 2 địa phương nói trên sớm tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, rà soát, điều chỉnh cách thức tổ chức lễ hội.
Sẽ không bỏ lễ hội truyền thống
Thực hiện chỉ đạo nói trên, lễ hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) đã có phương án tổ chức mới, trong đó chú trọng tới các các giải pháp chấn chỉnh an ninh lễ hội, đảm bảo an toàn cho người đi lễ và văn hóa lễ hội.
Theo Sở VHTT&DL tỉnh, mùa lễ hội tới địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, nhất là đối với nhân dân địa phương về công tác bảo tồn, phát huy giá trị Hội Phết Hiền Quan.
Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra nhằm đưa các hoạt động lễ hội vào nề nếp, giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc, loại bỏ những hủ tục, những hình ảnh phản cảm trong lễ hội.
Còn tại tọa đàm trao đổi, đề xuất giải pháp trong tổ chức lễ hội Đả cầu cướp Phết xã Bàn Giản (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) diễn ra mới đây, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi cũng như các đề xuất, hình thức thay đổi lễ hội Đả cầu cướp Phết xã Bàn Giản nhằm khắc phục yếu tố bạo lực, giữ gìn nét đẹp văn hóa của lễ hội truyền thống.
Cụ thể, để đảm bảo an ninh trật tự, mang lại nét đẹp văn hóa cho lễ hội truyền thống xã Bàn Giản, một số đại biểu cho rằng chỉ nên tổ chức vào các năm chẵn; cần tổ chức lễ hội trong một không gian hẹp để dễ kiểm soát trật tự an ninh; chỉ có sự tham gia của các đội, nhóm đại diện cho các thôn trong xã tranh cướp phết chứ không nên có sự tham gia tự do của tất cả người dân, du khách thập phương như trước đây.
Cùng với đó, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa văn hóa, sự linh thiêng của lễ hội…
Tại đây, ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch khẳng định: Đả cầu cướp Phết là một trong những lễ hội đang được huyện chỉ đạo xây dựng kịch bản chi tiết nhằm đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ và ổn định để tổ chức hằng năm.
Trong đó, vấn đề cốt lõi được chú trọng là tìm giải pháp để hoạt động cướp Phết diễn ra an toàn.
Đại diện Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cũng khẳng định: Lễ hội Đả cầu cướp Phết xã Bàn Giản vẫn được tổ chức hàng năm; mọi nghi lễ truyền thống vẫn được giữ nguyên, bên cạnh đó, phương án tổ chức hoạt động cướp Phết nhất thiết phải thay đổi nhằm khắc phục các hiện tượng phản cảm, bạo lực.
Những thay đổi về phương thức tổ chức được thể hiện rõ trong kịch bản tổ chức lễ hội, trong đó có sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Nông Quốc Thành- Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa lưu ý, cũng như hội Phết Hiền Quan, lễ hội Đả cầu cướp Phết ở Bàn Giản hàm chứa những giá trị văn hóa rất độc đáo, nếu giải quyết được những vấn đề lộn xộn, bạo lực thì lễ hội này hoàn toàn có cơ hội vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.