Giá vàng trong nước vượt mốc 104 triệu đồng/lượng, bạc thế giới tăng hơn 4%, tỷ giá USD tiếp tục leo thang. Theo các chuyên gia, không có công thức đầu tư chung cho tất cả. Nhà đầu tư nên chọn theo mục tiêu, không đầu tư theo phong trào.
Trong phiên giao dịch sáng 10/4, Bảo Tín Minh Châu đã nâng giá bán vàng nhẫn lên chạm mốc 104 triệu đồng/lượng, cao nhất thị trường, cũng là giá cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này.
Bảo Tín Mạnh Hải niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 101,1 - 104,1 triệu đồng/lượng; Công ty PNJ niêm yết ở mức 99,8 - 101,9 triệu/lượng; Phú Quý niêm yết ở 100,6 - 103,9 triệu/lượng; DOJI niêm yết ở 100,4 - 103,4 triệu đồng/lượng; Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 100,9 - 103,9 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá bạc cũng bật tăng vào sáng ngày 10/4. Cụ thể, giá bạc thế giới tăng 1,32 USD/ounce, tương đương 4,45%. Trong nước, giá bạc tại Tập đoàn Phú Quý (Hà Nội) niêm yết ở mức 1.198.000 đồng/lượng (mua vào) và 1.235.000 đồng/lượng (bán ra).
Tỷ giá đô la Mỹ tiếp tục leo thang. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng 10/4 là 24.936 VND/USD, tăng 38 đồng. Trên thị trường tự do, giá USD tăng mạnh, giao dịch ở mức 26.236 đồng (mua - bán). Chỉ số US Dollar Index (DXY) đạt 102,91 điểm, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt.
Trước diễn biến tăng giá đồng loạt của vàng, bạc và đô la, nhiều nhà đầu tư đang đối mặt với câu hỏi lớn: Nên “đặt cược” vào kênh nào để bảo toàn tài sản và tối ưu hóa lợi nhuận?
Ông Phạm Gia Bảo, chuyên gia kinh doanh vàng lâu năm tại Cầu Giấy, Hà Nội nhận định, vàng luôn được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong giai đoạn bất ổn kinh tế và chính trị. Đặc biệt trong thời kỳ lạm phát cao hay khủng hoảng tài chính, vàng có xu hướng tăng mạnh do niềm tin của nhà đầu tư vào giá trị bền vững của nó. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng vàng không tạo ra dòng tiền đều đặn nên phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn, có khả năng chịu đựng biến động giá trong ngắn hạn.
Theo bà Nguyễn Kim Tín, chuyên gia kinh doanh bạc tại Hàng Bạc, Hà Nội: “Bạc là lựa chọn hấp dẫn với nhà đầu tư vốn nhỏ. Tuy biến động mạnh hơn vàng, nhưng khi nhu cầu công nghiệp và đầu tư vào bạc tăng, giá trị của nó có thể tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, tính thanh khoản của bạc thấp hơn vàng và đô la. Thị trường bạc không dành cho người thiếu kiên nhẫn và đầu tư ngắn hạn. Bạc thích hợp cho những ai chấp nhận rủi ro cao để tìm kiếm lợi nhuận đột phá trong những chu kỳ biến động mạnh.
Bên cạnh đó, bà Mai Phương, chuyên gia tư vấn đầu tư tài chính và quản lý gia sản WSA đánh giá: “Đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Trong bối cảnh lãi suất tăng, USD thu hút dòng tiền tìm kiếm an toàn và sinh lời. Với nhà đầu tư muốn ổn định và dễ thanh khoản trong ngắn hạn, USD là lựa chọn đáng cân nhắc. Hiện nay đô la Mỹ có thể coi là giải pháp đầu tư ngắn hạn an toàn”. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng khi lãi suất toàn cầu đảo chiều hoặc chính sách tiền tệ thay đổi, giá trị USD có thể bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Gia Bảo nhấn mạnh thêm: “Không có một kênh đầu tư nào phù hợp với tất cả. Tùy theo mục tiêu tài chính và mức độ chịu rủi ro mà nhà đầu tư nên chọn hoặc phân bổ hợp lý. Nếu muốn an toàn cao thì chọn vàng, USD. Nếu chấp nhận rủi ro, muốn sinh lời nhanh thì chọn bạc. Muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư thì kết hợp cả ba tài sản, không muốn rủi ro thì đừng “bỏ trứng vào một giỏ”.
Còn theo bà Nguyễn Kim Tín: “Nếu vốn nhỏ, muốn thanh khoản nhanh và dễ dàng xoay chuyển dòng tiền nên ưu tiên đầu tư vào USD. Nếu mục tiêu bảo vệ tài sản lâu dài, vàng và bạc là lựa chọn hợp lý hơn. Lý tưởng nhất là phân bổ vốn thông minh để giảm thiểu rủi ro.”
Các chuyên gia đều khuyến nghị, trong bối cảnh vàng, bạc và USD đều tăng, việc lựa chọn kênh đầu tư không nên dựa vào tâm lý đám đông. Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ mục tiêu tài chính cá nhân, mức độ rủi ro có thể chấp nhận và xu hướng thị trường để đưa ra quyết định phù hợp.
Một ý kiến cũng đang được nhiều nhà đầu tư tham khảo đó là theo nhận định của ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của TD Securities: “Vàng vẫn là hàng rào chống lại bất ổn hiệu quả. Với rủi ro lạm phát và chính sách thương mại biến động, vàng tiếp tục được hỗ trợ mạnh mẽ”.