Bước vào “mùa du lịch” hè cũng là dịp các loại hải sản của Quảng Ninh được tiêu thụ mạnh và giá thường “nhích” lên khoảng từ 10-15%, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không có khách du lịch nên hải sản Quảng Ninh giảm giá xuống đến mức chưa bao giờ rẻ như thế.
Hải sản “nhà giàu” rớt giá
Từ khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, nhiều các nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa do việc dừng đón khách du lịch ngoại tỉnh. Vì thế, nhiều loại hải sản, đặc biệt là đặc sản cao cấp của Quảng Ninh như: sá sùng, tôm, cua, ghẹ, bề bề… rơi vào cảnh rớt giá từ 30 đến 40%.
Sá sùng là 1 loại hải sản quý, có giá trị cao và được mệnh danh là đặc sản “nhà giàu” của Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV tại 1 cơ sở chuyên thu mua và chế biến sá sùng tại xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), chị Thảo, chủ cơ cở cho biết: “Trước mùa dịch, chị thu mua sá sùng tươi của người dân với giá 400.000-500.000 đồng/kg tùy kích cỡ và chế biến, bán ra thành phẩm sá sùng khô với giá giao động khoảng 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên do dịch bùng phát, việc tiêu thụ trở nên khó khăn nên hiện tại, chị chỉ thu mua sá sùng tươi với giá 250.000-350.000 đồng/kg tùy kích cỡ và bán sá sùng khô với giá từ 3 đến 3,5 triệu đồng/kg”.
Tại chợ Hạ Long I, một chợ hải sản quen thuộc đổi với tất cả người dân và khách du lịch khi ghé thăm Hạ Long (Quảng Ninh), ghẹ xanh loại I có kích cỡ to hơn bàn tay “rớt giá” từ 550.000 đồng/kg xuống còn 300.000-350.000 đồng/kg. Đối với các loại ghẹ có kích cỡ nhỏ hơn, giá chỉ còn 200.000 đồng/kg và thậm chí vẫn nhận được cái gật đầu chấp nhận bán từ tiểu thương với mức giá “mặc cả” còn dưới 160.000 đồng/kg.
Còn cua bể thay vì được bán với giá 600.000 đồng/kg như trước dịch thì nay cũng chỉ còn 350.000 đồng/kg
Bề bề “size VIP” giá từ 300.000-350.000 đồng/kg nay giảm còn khoảng 230.000 đồng/kg, có những mớ bề bề tuy nhỏ hơn một chút nhưng giá tụt đến còn 130.000 đồng/kg.
Giá của các loại ngao, sò, ốc hay hàu, hà cũng mềm hơn nhiều nhưng tiêu thụ khá chậm, số lượng giảm hẳn. Theo chị The, một chủ bè nuôi hàu và ngao hai cùi tại huyện Vân Đồn, giá hàu giảm mạnh từ 20.000 đồng/kg xuống còn 4.000-5.000/kg, ngao hai cùi cũng giảm gần 20.000 đồng/kg xuống chỉ còn 30.000-40.000 đồng/kg.
Tiêu thụ giảm mạnh do vắng bóng khách du lịch
Theo anh Hoàn, chủ cửa hàng hải sản tại chợ Hạ Long 1 chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách du lịch vắng bóng, các nhà hàng không nhập hàng nên lượng tiêu thụ bị giảm hẳn một nửa so với trước đây. Khi chưa bị tác động của dịch bệnh thì mỗi ngày lượng hàng hóa anh nhập vào khoảng 15-20 triệu đồng chỉ để bán riêng cho khách lẻ, còn lại là dành cho các nhà hàng với sản lượng lên đến cả trăm triệu đồng nhưng giờ anh chỉ dám thu mua khoảng 6-7 triệu đồng tiền hàng/ngày mà còn không tiêu thụ hết”.
Do lượng tiêu thụ giảm nên nhiều người dân trong tỉnh có cơ hội thưởng thức hải sản trước đây vốn là mặt hàng xa xỉ thường được mua mỗi khi nhà có khách với giá phải chăng.
Theo bà Chi, một người dân sống gần khu vực chợ Loong Toòng (chợ Hạ Long II) cho hay: “Chưa bao giờ cái giá hải sản nó lại giảm nhiều đến mức này, tôi không cần mất công đi ra chợ bến ở xa từ sáng sớm mà vẫn có thể mua được hải sản tươi ngon, bổ dưỡng cho gia đình ở chợ ngay gần nhà với giá vô cùng rẻ. Giá rẻ nên tôi cũng tranh thủ mua nhiều hải sản hơn để chế biến ruốc, làm nhân chả nem hay đóng thùng xốp gửi cho các cháu”.
“Sức mua của người dân bản địa có tăng nhưng không đáng kể so với sức thu mua của nhà hàng nên lượng tiêu thụ vẫn giảm mạnh. Ví dụ họ mua bề bề hay ghẹ thì cũng chỉ mua những con loại nhỏ để chế biến đồ nấu ăn sáng tại nhà. Anh chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để công việc làm ăn của tất cả người dân được thông suốt trở lại”, anh Hoàn than thở.
Có thể thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến giá thủy hải sản Quảng Ninh chưa bao giờ giảm mạnh như năm nay. Hiện nay, hải sản Quảng Ninh đều được bán cầm chừng với giá rẻ để duy trì hoạt động chờ dịch sớm được kiểm soát. Đây là thời điểm mà người tiêu dùng nên tranh thủ thưởng thức hải sản ngon, giá rẻ. Đồng thời, cũng là cách giúp ngư dân và người nuôi bớt khó khăn về mặt tiêu thụ.