Nghề sứa ở Cô Tô (Quảng Ninh) một thời được ví như thu hoạch “vàng trắng” trên biển. Nhưng từ cuối năm 2018 trở lại đây, nghề sứa Cô Tô cứ chênh vênh, nhiều “tỷ phú sứa” phải đóng cửa cơ sở sản xuất. Năm nay, nhiều tín hiệu vui trở lại với nghề sứa ở Cô Tô.
“Chìm nổi” nghề sứa Cô Tô
Hàng năm, mùa khai thác sứa bắt đầu từ tháng Giêng đến khoảng tháng Tư, nhưng thời điểm hiện tại, nhiều tàu thuyền đánh bắt và cơ sở chế biến sứa ở Cô Tô đã rục rịch chuẩn bị cho vụ sứa mới. Theo những ngư dân có kinh nghiệm, mùa sứa năm nay ở Cô Tô đến sớm do thời tiết rét muộn, không khí ấm nóng kéo dài. Lượng sứa chiêm tồn đọng nhiều từ năm ngoái do bà con ít đánh bắt, sứa mùa cũng thấy xuất hiện sớm hơn mọi năm.
Ông Lê Bá Tùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá huyện Cô Tô, cho biết: Trước thời điểm năm 2020, Cô Tô có 35 cơ sở chế biến sứa, mỗi cơ sở giải quyết việc làm thời vụ cho từ 25 – 35 lao động, thu nhập bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm sứa biển chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2019, chính sách biên mậu từ phía Trung Quốc kiểm soát ngày càng chặt chẽ các mặt hàng nông sản nhập khẩu của Việt Nam, trong đó có sứa biển nên ảnh hưởng lớn đến người làm nghề này…
Đến vụ sứa năm 2021, Cô Tô chỉ còn 23 cơ sở hoạt động; trong đó 7 cơ sở tồn kho hơn 108.000 thùng sứa các loại, tương đương hơn 21 tỷ đồng. Giá bán sứa xuống thấp còn 150.000-200.000 đồng/thùng (giảm 1 nửa so với giá xuất khẩu), nhưng vẫn không có người mua. Khó khăn chồng chất khiến nhiều cơ sở sản xuất buộc phải đóng cửa.
Đón “lộc biển”
Ông Hà Mạnh Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên, Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Cô Tô chỉ còn tồn tại khoảng hơn chục xưởng chế biến sứa. Tổng sản lượng sản phẩm sứa ướp muối phèn thành phẩm liên vụ 2022 - 2023 (đã qua sơ chế) đạt 220.000 thùng, đạt 89,79% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 44 tỷ đồng. Theo ông Hùng, con số này thấp hơn nhiều so với thời “hoàng kim” của nghề sứa Cô Tô.
Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Cô Tô Lê Bá Tùng cũng là chủ một cơ sở sản xuất, chế biến sứa ở khu 4, thị trấn Cô Tô phấn khởi thông tin: Ngoài những tín hiệu tốt cho vụ sứa bội thu, thì các cơ quan hữu trách đang thực hiện thúc đẩy để sản phẩm sứa thương phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Dự kiến đến đầu năm 2024 sẽ hoàn thành.
“Tôi đang gấp rút cải tạo xưởng chế biến sứa của mình để chuẩn bị cho vụ sứa sắp tới. Đội tàu đánh bắt sứa của chúng tôi cũng đã sẵn sàng. Dự kiến sẽ ra quân trước Tết một tháng để có sứa thành phẩm bán nội địa” – ông Tùng nói.
Ngoài cơ sở sản xuất, chế biến sứa của anh Tùng, các cơ sở còn lại cũng đang rà soát lại toàn bộ các điều kiện, đầu tư lại các hạng mục công trình đáp ứng về điều kiện, quy trình sản xuất của các cơ sở sản xuất để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Được biết, huyện Cô Tô cũng đã đưa sản phẩm sứa biển vào danh mục sản phẩm có thế mạnh của địa phương, hướng tới cung cấp cho nhiều thị trường, không chỉ trông chờ vào thị trường Trung Quốc. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ về các thủ tục pháp lý có liên quan đến việc xuất khẩu sứa sang nước ngoài.
Đây là những tín hiệu khả quan không chỉ hỗ trợ ngành thủy sản vượt khó, mà còn góp phần để những ngành, nghề truyền thống, vốn là thế mạnh của địa phương như khai thác, chế biến sứa ở Cô Tô tiếp tục phát triển, tạo sinh kế, thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân.