Trước diễn biến "lao dốc" của thị trường trong ngày 6/11, nhiều thông tin cho rằng, đây là tác động chính sách từ Thông tư số 12/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (Thông tư số 12).
Về phía Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) khẳng định hiện nay người dân vẫn có thể thực hiện hoạt động mua, bán vàng miếng SJC bình thường như hiện hành tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Theo Thông tư số 12 sẽ bổ sung Cục Quản lý dự trữ ngoại hối tham gia vào các quy trình giao dịch đấu thầu vàng miếng giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, không liên quan đến hoạt động mua bán vàng miếng SJC của các tổ chức có giấy phép kinh doanh vàng miếng của các cá nhân đang sở hữu vàng miếng SJC.
Tại thời điểm 16 giờ 30 phút ngày 6/11, giá vàng SJC đã phục hồi so với mở cửa phiên giao dịch sáng. Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,5 - 69,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với sáng nay.
Cùng lúc, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,5 - 70 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với sáng nay.
Trước đó, mở cửa phiên giao dịch sáng 6/11, SJC Hà Nội điều chỉnh giá mua giảm 2,05 triệu đồng/lượng, giá bán giảm 1,55 triệu đồng/lượng so với giá chốt cuối tuần trước, giao dịch mua – bán bị về ngưỡng 67 – 68,52 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giao dịch mua – bán tại mốc 67 – 68,5 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,45 triệu đồng/lượng chiều bán so với giá chốt phiên cuối tuần trước.
Nói về thị trường Việt Nam, Hội đồng Vàng Thế giới (WGO) ghi nhận, nhu cầu trang sức được bù đắp bởi sự tăng trưởng nhu cầu mua vàng thỏi.
Theo đó, nhu cầu trang sức trong nước giảm 14% so với cùng kỳ. Cụ thể, quý III/2023 giảm còn 3 tấn trong khi trong quý III/2022 là 3,5 tấn. Nhưng nhu cầu tiêu dùng vàng được bù đắp bởi sự tăng trưởng nhu cầu mua vàng thỏi với mức chênh lệch 4% so với cùng kỳ với nhu cầu quý III/2023 là 8,8 tấn trong khi quý III/2022 là 8,5 tấn.
Cũng theo WGO, nhu cầu vàng đã và đang ổn định trong suốt cả năm qua, với lợi suất tốt trước áp lực từ lãi suất cao và đồng USD mạnh. Trong tương lai, với căng thẳng địa chính trị gia tăng và dự báo về việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng mạnh mẽ, nhu cầu vàng có thể vượt trên mong đợi.