Kinh tế

Vàng vẫn là kênh đầu tư đặc biệt

H.Hương 29/02/2024 07:02

Trong bối cảnh nhiều người không còn mặn mà với kênh tiết kiệm thì các lựa chọn đầu tư khác đang được tính đến. Với kênh đầu tư vàng, dù giá vàng vẫn đang neo ở mức cao nhưng vẫn được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

anhbaitren(2).jpg
Người dân vẫn có tâm lý mua vàng để tích trữ. Ảnh: Quang Vinh.

Giá vàng tiếp tục tăng

Những ngày cuối tháng 2, giá vàng trong nước tiếp tục tăng cao bất chấp giá vàng thế giới giảm. Ngày 28/2, giá vàng SJC tiếp đà tăng mạnh thêm 300.000 đồng lên 79,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng DOJI trong ngày 28/2 ghi nhận quanh mức 76,95 triệu đồng/lượng mua vào, 78,95 triệu đồng/lượng bán ra.

Đối với vàng nhẫn 9999, dù mức tăng không nhiều so với vàng SJC, song cũng đang không ngừng thiết lập kỷ lục mới.

Theo đó, ngày 28/2 giá nhẫn tròn trơn SJC 9999 niêm yết ở mức 63,70 – 64,90 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước đó. Nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng vượt 66 triệu đồng/lượng...

Như vậy có thể thấy, thị trường vàng trong nước tiếp tục nóng dù giá vàng thế giới gần như không biến động, thậm chí giảm nhẹ. Dù giá vàng liên tiếp tăng cao, nhưng thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã đặt sự quan tâm vào thị trường vàng khi mà các kênh đầu tư như bất động sản lẫn gửi tiết kiệm đang kém hấp dẫn.

Một số nhà quan sát cho rằng, giá vàng trong nước biến động đã làm hồi sinh kênh đầu tư này. Khá nhiều nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng sẽ sinh lợi lớn khi đổ tiền kênh này.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xoay chuyển chính sách tiền tệ, ngừng tăng lãi suất, nhiều khả năng vàng sẽ tiếp tục tăng thêm, có thể lập đỉnh mới trong năm nay. Ngoài ra, các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng có khả năng tác động đến giá vàng.

“Chiến tranh, xung đột xảy ra thì tâm lý trú ẩn vào vàng càng gia tăng. Hơn nữa, vàng đã phá đỉnh lịch sử, nên nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao này trong một khoảng thời gian dài”- ông Huân nhận định.

Tương tự, chuyên gia tài chính, ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, có rất nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng trong năm 2024. Các kỷ lục mới của giá vàng có thể tiếp tục được thiết lập. Chính vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư vào vàng ở một tỷ lệ nhất định tại thời điểm này.

Phát triển thị trường lành mạnh

Vấn đề đáng nói ở đây là giá vàng trong nước đang chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới. Với mức giá khoảng 2.032,9 USD/ounce thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 61,54 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 17,98 triệu đồng/lượng. Có thời điểm giá vàng trong nước còn cao hơn giá vàng thế giới đến 19 triệu đồng/ lượng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói rằng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cao, đặc biệt là vàng SJC, gây nên tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng. Hơn nữa, việc điều tiết thị trường bằng hành chính, mệnh lệnh (cấp giấy phép chuyển đổi, quản lý máy móc sản xuất của doanh nghiệp...) dẫn đến bế tắc trong sản xuất lưu thông, tạo ra khan hiếm cung - cầu giả, dẫn tới chênh lệch về giá. Cùng với đó, việc không cho phép giao dịch vàng kỳ hạn, chỉ cho phép giao dịch vàng vật chất gây tốn kém ngoại tệ nhập khẩu và tăng chi phí, đồng thời chưa thể huy động được một lượng lớn vàng trong dân.

Từ góc độ tổ chức, hiện các doanh nghiệp (DN) không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Các DN kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ gặp khó khăn khi không được cấp phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu ngày càng tăng.

Từ góc độ người tiêu dùng, việc độc quyền một thương hiệu vàng miếng SJC khiến người dân phải bán vàng miếng của các thương hiệu vàng khác dù chất lượng như nhau với giá rẻ hơn, có thời điểm chênh lệch tới gần 15 triệu đồng/lượng.

Hệ quả là thị trường vàng trong nước đang đi thụt lùi so với thế giới. Do đó, theo ông Long, cần đưa ra những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược. Sự e ngại của nhà quản lý là việc thay đổi cơ chế quản lý thị trường để phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu quản lý không tốt sẽ làm cho thị trường vàng bất ổn.

Ngày 15/2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cùng với đó, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới và phải hoàn thành trong quý I năm nay.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng có văn bản chỉ đạo NHNN nhanh chóng tổng kết Nghị định 24, báo cáo kết quả thanh tra thị trường vàng trong tháng 2, không để giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so giá vàng thế giới.

Giới chuyên gia nêu quan điểm, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh nhằm hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức - mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh được xem là yếu tố cần thiết. NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng, mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các DN, cần tạo “sân chơi” bình đẳng cho các DN.

“Thị trường vàng Việt Nam phải liên thông với thị trường vàng thế giới, phải loại bỏ yếu tố giá cách biệt như hiện nay bằng giải pháp thị trường” – ông Long nhấn mạnh.

Ngày 15/2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cùng với đó, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới và phải hoàn thành trong quý I năm nay. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng có văn bản chỉ đạo NHNN nhanh chóng tổng kết Nghị định 24, báo cáo kết quả thanh tra thị trường vàng trong tháng 2, không để giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vàng vẫn là kênh đầu tư đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO