Vắng vẻ như xóm trọ công nhân

Mạnh Thìn-Thiên Du 06/07/2023 07:30

Khác với hình ảnh rôm rả, cười nói thường ngày, nhiều “thủ phủ” nhà trọ vốn đông công nhân ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... nay trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Nhà trọ không có người thuê do nhiều lao động thất nghiệp.

Những dãy trọ vắng vẻ, đìu hiu không người thuê ở Biên Hòa.

Xóm trọ đìu hiu

Mất việc, không có thu nhập khiến nhiều công nhân chọn cách rời phố về quê, một số khác thì tìm cách bám trụ mong kiếm được việc làm phù hợp. Công nhân mất việc nên nhiều khu nhà trọ đìu hiu, vắng vẻ, khắp nơi treo biển “cho thuê phòng trọ”, “còn phòng cho thuê”.

Phường Long Bình, TP Biên Hòa được xem là “thủ phủ” nhà trọ của tỉnh Đồng Nai. Địa phương này có hàng trăm hộ kinh doanh nhà trọ đang trong tình trạng ế khách.

Bà Nguyễn Thị Huệ là chủ của 2 dãy trọ, tổng cộng 30 phòng ở phường Long Bình cho biết, xây nhà trọ từ năm 2016 đến nay, chưa có năm nào mà dãy nhà trọ của tôi lại vắng công nhân thuê như thế. 30 phòng, giờ chỉ còn 16 phòng là có người thuê.

Còn bết bát hơn là trường hợp của bà Ngọc. Cuối năm 2019, bà xây 1 dãy nhà trọ 14 phòng bằng tiền vay ngân hàng. Đến năm 2020 khi dãy nhà trọ hoàn thành thì trúng đợt dịch Covid-19. Từ đó đến nay, dãy trọ của bà chưa bao giờ phủ kín khách thuê, mặc dù dãy nhà mới xây, nhiều tiện nghi. “Tháng nào cũng phải trả lãi ngân hàng, trong khi cả dãy trọ 14 phòng thì nay chỉ có 8 phòng thuê. Treo biển cho thuê liên tục mà lâu lâu mới có người hỏi xem phòng rồi thôi” - bà Ngọc nói.

Đối với nhiều công nhân, hiện chọn những nhà trọ giá rẻ, ở ghép nhiều người trong một phòng là cách để tiết giảm chi tiêu tốt nhất. Ai không xin được việc thì đành chấp nhận về quê. Việc các dãy trọ vắng người thuê là điều đã được dự báo.

Chị Lê Thị Ninh - quê Đồng Tháp, làm công nhân tại khu công nghiệp Amata Biên Hòa cho hay, chị vẫn có việc để làm nhưng không nhiều như trước. Để giảm chi tiêu, chị đã ở ghép với một số chị em khác làm chung công ty. “Trước đây ở hai người, bạn nữ kia về quê vì mất việc, em ở lại nhưng một mình thuê phòng trọ thì tốn kém nên em trả phòng chuyển sang ở ghép để giảm tiền” - chị Ninh nói.

Không chỉ kinh doanh nhà trọ gặp khó, nhiều khu chợ gần các khu công nghiệp, khu công nhân sinh sống cũng trong tình trạng ế ẩm. Bà Nguyễn Hòa - tiểu thương bán cá ở chợ Xóm Chiếu (phường Tân Phú, Thủ Đức, TPHCM) cho biết: Khoảng 2, 3 năm trước, có ngày bán 150 ký cá, từ đầu năm đến nay, mỗi ngày lấy khoảng 50 ký cá mà bán rất chậm.

Còn bà Dịu, bán tạp hóa ở phường Long Thanh Mỹ than thở, công nhân mất việc, giảm thu nhập cũng khiến việc buôn bán của bà gặp khó. “Ai cũng nghĩ tạp hóa thì không bao giờ ế người mua. Nhưng nay ế lắm” - bà Dịu nói và lấy ví dụ về việc thẻ cào điện thoại là mặt hàng bán chạy nhất cho công nhân, trước dịch Covid-19 bán mỗi ngày trung bình khoảng 50 thẻ, nay giỏi lắm được 5 thẻ.

Chợ vắng vẻ dù đang giờ công nhân tan tầm ở Biên Hòa.

Tìm cách cứu vãn phòng trọ

Trước tình trạng nhà trọ vắng người thuê, nhiều hộ kinh doanh nhà trọ tìm cách để cứu vãn tình thế. Nhiều chủ trọ đã giảm tiền thuê xuống khoảng 20-30% giá phòng. Giảm tiền thuê trọ, cho trả góp thậm chí cho công nhân nợ tiền thuê nhà tối đa 2 tháng để người thuê giảm áp lực. Nhiều hộ kinh doanh còn sơn sửa nhà trọ khang trang, lắp đặt thêm nhiều tiện ích như máy lạnh, máy nước nóng để thu hút những khách thuê có nhu cầu.

Thu nhập giảm sâu khiến việc chi tiêu của người lao động (NLĐ) cũng giảm theo. Tại các chợ ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), TP Thủ Đức (TPHCM), một số mặt hàng thực phẩm như rau, thịt, cá giá vẫn ổn định, chưa có nhiều biến động. Các tiểu thương cũng cho biết, họ không thể giám giá bán vì giá mua vào đã rất cao. Tuy nhiên, tiểu thương khẳng định ưu tiên người mua bằng việc khuyến mãi thêm ở một số mặt hàng như: bột giặt, áo, quần mua 5 tặng 1; mua rau tặng thêm rau…

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai khẳng định luôn đồng hành cùng công nhân trong mọi tình huống để vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn việc làm ít, giảm thu nhập như hiện nay. Cụ thể, tính đến ngày 5/5/2023, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã rà soát và ra quyết định phê duyệt hỗ trợ cho 18.745 đoàn viên và NLĐ với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng để hỗ trợ đối tượng bị giảm giờ làm, ngừng việc, đối tượng bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM tổ chức nhiều chương trình tặng quà cho công nhân các dịp lễ, tết; Thường xuyên trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn về các vấn đề tháo gỡ chính sách, hỗ trợ tiền lương, thu nhập cho NLĐ...

Công đoàn các doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai, nơi có số lượng công nhân lớn cũng đã có một số chương trình đồng hành cùng công nhân, như hỗ trợ ứng tiền lương nếu làm đủ số giờ công; tặng quà bằng hiện vật, tiền mặt cho công nhân gặp khó khăn; hỗ trợ tiền nhà trọ… Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina, ông Đinh Sỹ Phúc, cho biết công ty cũng đang gặp khó khăn về đơn hàng nhưng chưa tính đến việc cắt giảm lao động, quyết tâm giữ chân người lao động kể cả trong lúc rất khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vắng vẻ như xóm trọ công nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO