Đá ong vốn là vật liệu xây dựng quen thuộc ở vùng đất xứ Đoài và một số địa phương ở miền Bắc. Những vỉa đá ong lộ thiên hay nằm sâu dưới lòng đất được những người thợ dùng thó, thuổng hoặc xà beng để đánh thành những viên đá có kích thước to nhỏ khác nhau, tùy theo nhu cầu của người sử dụng.
Ở xứ Đoài hiện nay, huyện Thạch Thất là nơi còn nhiều vỉa đá ong có chất lượng tốt. Trong đó, tập trung ở các thôn Cánh Chủ, Yên Mỹ, Sen Chi… của xã Bình Yên.
Về Bình Yên những ngày này, trên con đường liên huyện đang sửa chữa, nâng cấp, những xưởng chế tác đá ong hoạt động khá sôi động. Gọi là “chế tác”, bởi hiện nay, đá ong ở đây không chỉ được khai thác, sản xuất thành những viên đá để phục vụ việc xây dựng đền, đình, chùa, nhà cửa, khu du lịch sinh thái… mà còn được những người thợ tài hoa tạo hình những sản phẩm có tính điêu khắc mỹ nghệ cao, như các hình tượng con voi, sư tử, rồng, nghê, hổ, trâu… Các họa tiết mà trước đây thường chỉ có đá xanh mới đáp ứng được thì nay, trên đá ong cũng có thể tạo ra như hình hoa sen, chim hạc ở những tảng đá làm chân cột, chân bệ.
Những xưởng chế tác đá ong ở Bình Yên hiện nay còn có thêm máy móc hỗ trợ, nên công việc cũng đỡ vất vả và có thể sản xuất nhanh hơn, an toàn hơn. Đặc biệt, máy móc giúp cho việc cắt xẻ những viên đá ong đều “tăm tắp”, thậm chí có thể cắt thành những viên đá ong chỉ dày chừng 5 cm dùng để trang trí trong một số công trình dân dụng, hoặc khu du lịch sinh thái…