Những ngày cận Tết Nhâm Dần, chúng tôi có dịp đến vùng đất cù lao xã Mỹ Hoà Hưng, TP Long Xuyên (An Giang) nghe thêm nhiều giai thoại tại sao vùng đất này lại có tên là cù lao “Ông Hổ”.
Câu chuyện xúc động về con hổ biết ơn người cứu sống
Từ TP Long Xuyên qua phà Ô Môi, sau gần 30 phút trải nghiệm đi phà băng qua dòng sông Hậu là đặt chân lên cù lao, hiện ra trước mắt chúng tôi là 2 bức tượng con hổ to lớn bằng đá đứng trấn cổng chào lớn. Hai bức tượng hổ là biểu tượng của vùng đất này từ hơn 200 năm qua.
Theo nhiều bậc cao niên địa phương truyền lại, thuở xưa, vùng đất này được phù sa bồi đắp và nổi lên giữa dòng sông Hậu, cây cối rậm rạp hoang sơ, không người ở. Sau đó dần có người đến khai hoang dựng nhà, lập làng, làm ăn và sinh sống cho đến ngày nay…
Có hai vợ chồng bác thuyền chài sống với chiếc thuyền nhỏ và ngôi nhà phía trên bãi sậy ở vùng đất cù lao. Vùng đất ông bà ở không có hùm beo hay thú dữ. Không hiểu sao, một sáng sớm hai vợ chồng đang chèo thuyền đánh cá ven cồn, chợt thấy trên đám lục bình có con vật giống mèo đang hì hục bám trụ để không bị rớt xuống nước.
Thấy vậy bác thuyền chài nói với vợ mình vớt nó lên mang về nuôi cho vui cửa, vui nhà. Hai ông bà quay ghe lại vớt con vật gần kiệt sức lên. Lúc đó vợ chồng bác mới phát hiện là con hổ con! Nó bị con gì cắn cụt mất khúc đuôi. Thấy hổ con run lẩy bẩy tội nghiệp nên 2 vợ chồng quyết định mang về nuôi. Bác thuyền chài lấy giẻ khô buộc chặt cái đuôi chảy máu và lau nước trên mình con hổ. Bác vuốt ve, nó đau đáu nhìn bác như thầm cảm ơn. Bằng giao tiếp và chăm sóc như con mình, hổ con ngoan ngoãn sống chung với vợ chồng bác thuyền chài.
Sau này lớn, có người bảo xẻ thịt hổ bán da, bán xương nấu cao sẽ được nhiều tiền nhưng vợ chồng bác kiên quyết không làm vì hổ đã như là thành viên của gia đình. Thời gian đó do vùng cồn xuất hiện đợt dịch nhiều người không cứu được, trong đó có vợ chồng bác thuyền chài. Bà con chôn cất hai bác trên gò đất cồn. Con hổ lúc đó không còn người nuôi, nhưng nó vẫn bám trụ ở trong ngôi nhà. Một thời gian ngắn sau ngôi nhà cũng bị sập đổ người dân không thấy con hổ ở đâu, không biết nó trôi dạt nơi nào. Nhưng bẵng đi thời gian đầu xóm lại xuất hiện một con hổ lớn chỉ ngồi lặng im ở bên hai ngôi mộ của vợ chồng bác thuyền chài. Lúc đầu thì người dân ở đây cũng sợ, nhưng khi biết được đây chính là con hổ mà ngày xưa vợ chồng bác thuyền chài nuôi mọi người mới an tâm.
Từ ấy, không ai xua đuổi khi hổ về làng. Họ coi nó như đứa con hiếu thảo. Và như thế, mỗi năm đôi lần hổ lại về cồn và ngồi bên mộ của hai bác thuyền chài. Bỗng một hôm dân cồn trông thấy xác một con hổ cụt đuôi trôi dạt vào bờ lau phía dưới cồn. Đúng là con hổ của bác thuyền chài. Thương con vật có nghĩa, biết nhớ ơn người, dân cồn vớt xác nó lên chôn gần ngôi mộ vợ chồng bác thuyền chài. Họ dựng lên ngôi miếu nhỏ để thờ, để nhớ bác thuyền chài nhân hậu và con hổ biết nghĩa biết ơn.
Câu chuyện trên cũng được chúng tôi nghe trực tiếp từ ông Nguyễn Văn Tri (Tám Tri, 73 tuổi), cư trú ở ấp Mỹ Long 1, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên cũng là gia đình 5 thế hệ sinh sống, gắn bó với vùng đất cù lao, tuy nhiên câu chuyện của ông Tám Tri qua nhiều đời được rút ngắn gọn lại hơn.
Cũng từ câu chuyện của con hổ có nghĩa, có tình, dân làng cảm động nên đã lập miếu thờ và đặt tên cho cù lao này là cù lao “Ông Hổ”. Trải qua hàng trăm năm, từ một miếu nhỏ được người dân trùng tu, xây dựng thành miếu thờ lớn trên sân chùa Bửu Long Cổ Tự ở ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên bên trong là ngôi mộ của “Ông Hổ”. Hằng năm, cứ đến ngày 28/10 âm lịch người dân nơi đây chọn làm ngày lễ giỗ “Ông Hổ”…
Những địa danh làm nên thương hiệu cù lao
Giữa TP Long Xuyên ồn ào, náo nhiệt, xã Mỹ Hòa Hưng được biết đến như một ngôi làng cổ xưa bởi giữ được những nét mộc mạc, cổ kính. Người dân hay gọi địa danh này bằng tên cù lao Mỹ Hoà Hưng, gồm có cù lao “Ông Hổ” và Cồn Phó Ba nằm giữa dòng sông Hậu. Trải qua hơn 200 năm kể từ ngày người dân có mặt ở cù lao này vào năm 1780 để khai phá đất hoang, định cư lập nghiệp,… đã biến vùng đất hoang vu, sình lầy, đầy cỏ dại trở thành vùng đất màu mỡ trù phú với cây trái xum xuê, làng bè thủy sản, rau màu, phát triển du lịch sinh thái…
Những năm gần đây nhờ khai thác tốt thế mạnh của vùng đất này người dân đã nhanh chóng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn, với các mô hình homestay. Ngoài ra, trên địa bàn còn có làng bè nuôi cá, chủ yếu là nuôi cá nước ngọt với quy mô hơn 500 bè cá.
Tọa lạc giữa vùng đất cù lao là ngôi nhà thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với kiến trúc truyền thống Nam Bộ. Ngôi nhà do cụ Tôn Văn Đề, thân sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng xây dựng vào năm 1887, đến nay đã 134 năm. Đến năm 1932, ngôi nhà được em trai thứ tư của Bác Tôn là ông Tôn Đức Nhung sửa chữa nhưng vẫn giữ nguyên trạng như ban đầu...
Ngoài ngôi nhà của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đình Mỹ Hòa Hưng cũng là một trong những công trình kiến trúc đẹp, mang phong cách nghệ thuật của triều Nguyễn. Được xây dựng vào năm 1875 với diện tích 2.800m2 thờ vọng Nguyễn Trung Trực và Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên. Đến năm 2003, đình Mỹ Hòa Hưng được xếp hạng là Di tích lịch sử.
Cù lao “Ông Hổ” - cái tên thật gần gũi, thật thân thương cũng là niềm tự hào của người dân nơi đây. Bà con hay nói với nhau đó là hổ nghĩa, hổ tình, không phải hổ dữ. Nó là minh chứng cho một vùng đất cù lao với con người sống hiền hòa, chân tình, chan chứa tình yêu thương
Sau một ngày với những câu chuyện của người dân cù lao “Ông Hổ”, chúng tôi rời vùng đất này bằng chuyến phà cuối chiều với một niềm tin, vùng đất cù lao hoang sơ, rậm rạp, chưa có người ở năm nào sẽ nhanh chóng “thay da đổi thịt”, là điểm đến hấp dẫn của du khách mỗi lần đặt chân đến An Giang.