Người Hà Nhì thường định cư ở những thung lũng lưng chừng núi và chủ yếu tập trung ở hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Đặc biệt người Hà Nhì sống trong những ngôi nhà trình tường được xây dựng kỳ công với lối kiến trúc độc đáo.
Đến bản của người Hà Nhì ở Bát Xát, Lào Cai, nhìn từ xa, những ngôi nhà trình tường giống như những cây nấm khổng lồ nằm thoai thoải bên sườn núi, hoà vào thiên nhiên. Ấn tượng nhất là mái nhà lợp bằng cỏ dày qua nhiều năm tháng rêu phủ xanh rì trông hoang sơ, cổ kính. Nhà ở của người Hà Nhì thường tựa lưng vào núi và trông ra thung lũng để tạo cảnh quan. Theo cách nghĩ của người Hà Nhì, hướng nhà như thế sẽ đem lại may mắn cho gia chủ.
Vẻ đẹp của những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì thể hiện trước hết về mặt kiến trúc. Nhà thường được dựng theo hình vuông với bốn mái hình chóp và thường không có hiên. Mỗi ngôi nhà rộng chừng 65 - 80 m2, dù nhà to hay nhỏ vẫn có vẻ cân đối, đẹp mắt. Nét độc đáo nổi bật của ngôi nhà trình tường chính là các bức trình tường bằng đất sét dày 40 – 50 cm, cao 4 – 5 m. Bộ khung nhà được tạo bởi hệ thống cột, xà ngang và được trợ lực bởi hệ thống tường đất dài với mái nhà lợp cỏ gianh để phù hợp với thời tiết khắc nghiệt ở vùng núi. Sống trong những ngôi nhà như thế, người Hà Nhì cảm thấy thoải mái trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cao. Nhà làm hoàn toàn bằng đất nên rất tốn sức. Nhà nào con cháu nhiều đến giúp cũng phải mất 4-5 tháng. Còn nhà ít lao động thì làm từ 1-2 năm.
Về chọn thời gian làm nhà thì hàng năm cứ sau mỗi mùa vụ, người Hà Nhì thường bắt tay vào làm nhà mới. Theo phong tục của họ, trước khi làm nhà trình tường, các gia đình xem ngày giờ tốt, chọn miếng đất bằng phẳng và thực hiện nghi lễ khởi công nhà. Đây là nghi lễ rất đơn giản nhưng lại có ý nghĩa. Trước giờ đào móng, gia chủ nhà thả 3 hạt thóc xuống nền nhà tượng trưng cho con người (con đàn cháu đống), chăn nuôi (đầy đàn), hạt thóc (được mùa). Sau 3 giờ làm lễ, đồng bào bắt đầu đào móng độ sâu khoảng 1m, xếp đá để tránh ẩm ướt và có độ bền.
Công đoạn công phu nhất là trình tường nhà. Hầu như người đàn ông Hà Nhì nào cũng biết trình tường. Đầu tiên, đất sét được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, mọi người dùng chày gỗ giã để đất kết dính, nén chặt với nhau. Làm hết lượt tường thứ nhất, lại tháo khuôn làm đến lượt tầng tường thứ hai và phải 5-6 lượt tầng như vậy mới tạo nên bức tường nhà vững chắc. Trong quá trình hoàn thiện, mọi người lại lấy vồ gỗ đập vào thành các bức tường cả ở phía trong và phía ngoài làm cho mặt tường thật phẳng và mịn, sau đó mới làm xà nhà và lợp mái. Tường được trình bằng đất sét như thế qua thời gian sẽ cứng như bê tông, chống lại mọi tác động của nắng mưa, có thể bền vững qua hàng trăm năm.
Ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì thường có từ 3 đến 4 ô cửa nhỏ, những ô cửa này chủ yếu mở ra để thông gió và lấy ánh sáng.
Trong nhà bố trí phòng ngủ theo thứ tự quy định từ phải sang trái, gian giữa là nơi uống nước quây quần cả gia đình. Phần hành lang thường làm rộng đủ đặt một chiếc giường dành cho khách hoặc con trai chưa vợ trong gia đình. Gian bếp có vị trí đặc biệt quan trọng, vừa là nơi sưởi ấm, vừa là nơi nấu nướng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt, tiếp khách của gia đình và quan trọng hơn là bếp đặt ngay trong nhà quá trình đun khói sẽ tạo cho ngôi nhà bền chắc theo thời gian.
Đặc biệt, trong ngôi nhà của người Hà Nhì không đặt bàn thờ và bát hương.
Ngày vào nhà mới của người Hà Nhì cũng rất đơn giản, khi hoàn thành, gia chủ làm bữa cơm mời anh em, họ hàng, thôn, bản đến cùng vui. Người mừng chai rượu, cân gạo, người cho con gà, tùy tâm và mối quan hệ của mỗi người với gia chủ. Họ cùng nhau nâng chén rượu, chúc cho gia chủ có ngôi nhà mới ăn nên làm ra, mạnh khỏe, hạnh phúc. Việc làm nhà trình tường của người Hà Nhì thể hiện tính cộng đồng, bất kể hộ nào đều coi là việc làm chung của bản.
Ngày nay, dù đã có nhiều loại nguyên liệu tiện lợi để làm nhà, nhưng ở nhiều nơi đồng bào vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc xưa với kỹ thuật làm nhà trình tường từ lâu đời. Những ngôi nhà trình tường theo truyền thống của người Hà Nhì vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng của vùng miền núi xa xôi. Và có thể thấy, sống trong những nếp nhà gần gũi với thiên nhiên, người Hà Nhì khi dựng nhà của mình đã luôn dựa vào thiên nhiên và có ý thức chọn lọc, thích ứng với tự nhiên. Tất cả đã góp phần tôn tạo, gìn giữ sinh thái tự nhiên ở các vùng cư trú của đồng bào, đảm bảo tính hài hòa bền vững trong việc xây dựng và phát triển từng khu vực cũng như toàn cộng đồng.
Ngày nay, dù đã có nhiều loại nguyên liệu tiện lợi để làm nhà, nhưng ở nhiều nơi đồng bào vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc xưa với kỹ thuật làm nhà trình tường từ lâu đời. Những ngôi nhà trình tường theo truyền thống của người Hà Nhì vẫn luôn có sức hấp dẫn riêng của vùng miền núi xa xôi.