Hơn 5 năm qua, thực hiện những cam kết với UNESCO, cả chính quyền và người dân địa phương ở những nơi có di sản hội Gióng đều có ý thức bảo tồn nguyên vẹn những nghi lễ dân gian.
Du khách tại Đền Thượng trong quần thể Di tích Đền Sóc (Đền Gióng), Sóc Sơn, Hà Nội (Ảnh: Thành Trung).
Trong hành trình du xuân đầu năm, Đền Sóc (xã Phù Linh huyện Sóc Sơn- Hà Nội) luôn là điểm đến tâm linh thu hút khách thập phương. Ở những dịp cao điểm, có hàng ngàn lượt khách đến tham quan di tích Đền Sóc mỗi ngày. Hội Gióng đền Sóc chính hội được tổ chức từ ngày Mồng 6 đến Mồng 8 tháng Giêng hàng năm. Hội Gióng đền Sóc cũng như biết bao lễ hội truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay đã hòa nhập cùng nhịp sống và hơi thở lễ hội ở nhiều địa phương cả nước.
Trung tâm quản lý khu du lịch- di tích đền Sóc cho biết: từ những năm 1990 trở lại đây, Hội Gióng đền Sóc được mở từ đêm 30 Tết, giờ khắc của một năm mới và kéo dài cho đến hết tháng Tư âm lịch. Lễ hội được mở ra để tưởng niệm ngày Thánh Gióng bay về trời. Hội Gióng ở đền Sóc luôn chứa đựng một tâm tưởng vừa kín đáo, vừa sâu xa, lan tỏa bao trùm lên nghi lễ thờ cúng thần, thánh.
Xét về chiều sâu và cốt lõi thì thần, thánh chính là thần tượng hội tụ những phẩm chất cao đẹp mà cả cộng đồng hướng tới. Đó cũng là sự giáo dục, nhắc nhở các thế hệ con cháu nối tiếp nhau, đồng thời sự cộng cảm tinh thần của ngày hội đã góp phần củng cố mối quan hệ cộng đồng, sáng tạo sức mạnh đại đoàn kết để xây dựng đất nước.
Từ năm 2010, Hội Gióng đền Sóc và Hội Gióng đền Phù Đổng (diễn ra từ ngày 7-9 tháng Tư âm lịch hàng năm) được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là loại hình di sản lễ hội đầu tiên ở nước ta được UNESCO vinh danh. Kể từ đó lễ hội Gióng cũng được nâng lên với giá trị, ý nghĩa và có tầm lan tỏa rộng rãi hơn.
Hơn 5 năm qua, thực hiện những cam kết với UNESCO, cả chính quyền và người dân địa phương ở những nơi có di sản hội Gióng đều có ý thức bảo tồn nguyên vẹn những nghi lễ dân gian. Dẫu vậy trong quá trình thực hành lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn) có những thời điểm mà người tham gia đã góp phần gây bạo lực và mất trật tự lễ hội. Vì thế, ở mùa lễ hội Xuân Bính Thân năm 2016 chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để đưa lễ hội đi vào nề nếp.
Theo lộ trình, năm 2016 hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc sẽ đến kỳ UNESCO đánh giá mức độ tác động của danh hiệu đến di sản và cộng đồng. Theo ghi nhận bước đầu của tổ chức này, cho đến thời điểm hiện tại, những nghi lễ truyền thống và tính nguyên bản của lễ hội vẫn do cộng đồng tự nguyện và chung tay gìn giữ.