Xã hội

Về nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ:Đại Từ - Xưa là an toàn khu cách mạng, tương lai là đô thị văn minh

Toán Nguyễn - Tuấn Tú 27/07/2024 06:44

Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thường được biết đến là nơi có Di tích lịch sử 27/7 (nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ). Năm xưa, Đại Từ là vùng núi hoang vu, an toàn khu cách mạng (ATK) nhưng đến nay đổi thay từng ngày, vươn mình thành đô thị văn minh, hiện đại và có những vùng quê đáng sống.

Trong chuyến công tác về Di tích lịch sử 27/7 tại tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có dịp được gặp cụ Nguyễn Đình Phú, người năm nay đã gần 90 tuổi và sinh sống ở địa phương từ nhỏ. Là một chứng nhân lịch sử, cụ vẫn nhớ như in những câu chuyện xảy ra tại địa phương từ những năm 1945 đến nay.

di-tich-27.7-1-.jpg
Cụ Nguyễn Đình Phú kể rằng, sau năm 1945, xung quanh xóm Bàn Cờ dưới là đồng ruộng, trên là rừng rậm um tùm.

Cụ Phú nhớ lại: Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược đất nước ta một lần nữa, huyện Đại Từ trở thành căn cứ địa ATK cách mạng. Lúc ấy xóm Bàn Cờ chỉ có 13 nóc nhà sống phân tán, nhưng đều là những gia đình có điều kiện. Nhà nào cũng làm bằng gỗ, rộng 5 gian lớp lá cọ và thuê nhiều người giúp việc nhà. Khi các cán bộ, bộ đội về đây hoạt động cách mạng, người dân rất nhiệt tình đóng góp lương thực, hỗ trợ công sức và tham gia nhiều công việc khác.

Năm 1947, nhà cửa cả làng bị giặc Pháp phá hủy, chỉ còn lại gian nhỏ đền thờ ông Nghè còn nguyên (tới ngày nay). Đường đi lại của bà con ngày ấy chỉ là những lối mòn cho người đi bộ và gia súc đi lại. Đến năm 1954, đường mới được bộ đội giúp đỡ mở rộng ra 1,5 – 2m, xe trâu – bò kéo đi lại được.

24.jpg
Những tuyến đường giao thông tại xóm Bàn Cờ liên tục được nâng cấp, mở rộng.

Sau 77 năm, đến nay xóm Bàn Cờ năm xưa đã trở lên phố, xã Hùng Sơn giờ là thị trấn, hạ tầng đầu tư đồng bộ, nhiều tuyến đường giao thông liên tục được mở rộng, nâng cấp và mở mới.

Ông Nguyễn Quang Hải – Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn thông tin: Những năm qua thị trấn tập trung được nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị; thu chi ngân sách đều đạt và vượt so với kế hoạch; có 1 chợ trung tâm huyện, cùng nhiều trung tâm thương mại phục vụ mua sắm; 8/8 trường học đạt chuẩn quốc gia; hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh đạt mật độ cao... Đến nay thị trấn Hùng Sơn đã hoàn thành tối đa tiêu chí thành phường.

28-a94d7fcfc6ca31fca543000e32cda9e5.jpg
Mỗi năm trên địa bàn huyện Đại Từ có thêm hàng chục khu dân cư đô thị được mở mới.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nơi phát tích Ngày 27/7, cơ bản người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, quần chúng nhân dân có ý thức cộng đồng rất cao, góp phần thi đua phát triển kinh tế…

Cụ thể như, đầu năm 2023, Huyện ủy Đại Từ ban hành Nghị quyết 07, phong trào mở rộng đường giao thông nông thôn 6 m đã thành công vượt kế hoạch. Sau 1 năm, hơn 60 ha đất được nhân dân hiến làm đường, mở rộng được hơn 233 km đường từ 2 – 3 m lên 6 – 8 m.

Với những kết quả đạt được, hết năm 2023, huyện Đại Từ về đích nông thôn mới, 27/27 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 thị trấn của huyện đạt chuẩn đô thị văn minh; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt gần 53 triệu đồng (tăng trên 35 triệu đồng/người so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,7% (giảm gần 14% so với năm 2011).

Trong 13 năm (2021 – 2023) thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Đại Từ đã huy động gần 21.200 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 320 tỷ đồng; hoàn thiện 9/9 tiêu chí của Bộ tiêu chí về xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt – Phó Bí thường trực Huyện ủy Đại Từ nói: "Chúng tôi tự hào là quê hương giàu truyền thống cách mạng. Huyện Đại Từ có hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ chống Pháp và thời kỳ đổi mới. Cùng với nhiệm vụ kinh tế – xã hội, cấp ủy huyện Đại Từ luôn dành sự quan tâm tới nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt là công tác đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện các chính sách an sinh xã hội".

23.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đại Từ trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

Ông Hoạt nói thêm: Hiện nay trên địa bàn huyện không có hộ chính sách nghèo. Người có công trên địa bàn huyện Đại Từ đều có cuộc sống ổn định và luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Các gia đình thương binh – liệt sĩ thường xuyên được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành – đoàn thể các cấp quan tâm và tri ân, tặng quà hàng năm. Ngoài ra, huyện Đại Từ cũng có nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm luôn quan tâm đến người có công trên địa bàn.

Huyện Đại Từ quyết tâm đạt nông thôn mới nâng cao trong năm 2024, cơ bản đạt tiêu chí là thị xã năm 2025 và phấn đấu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh Thái Nguyên trước năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về nơi ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Đại Từ - Xưa là an toàn khu cách mạng, tương lai là đô thị văn minh