Từ bỏ giấc mơ đi Nhật Bản, anh Phạm Văn Phước (28 tuổi, trú thôn Yên Tôn Thượng, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã trở về quê hương tích tụ ruộng đất, phát triển mô hình trang trại tổng hợp, cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Năm 2016, gia đình anh Phước thầu 5 ha đất ruộng ở vùng đầm lầy để anh phát triển kinh tế, thời điểm đó, bố mẹ anh Phước đã dốc toàn bộ 300 triệu đồng tiền tiết kiệm để con trai đầu tư. Năm đầu tiên, anh đã chi sạch số tiền này vào việc đổ đất, san lấp vùng đầm lầy để trồng trọt, xây tường bao, đào ao, thả cá và mua giống chuối Thái Lan cùng trâu, bò, lợn, gà thả vườn…
Kết thúc năm đầu tiên, do còn nhiều thiếu sót về kinh nghiệm nên mô hình của anh đã bị lỗ. Không nản chí, gia đình tiếp tục đi vay thêm 300 triệu đồng để đầu tư thêm vào trang trại.
Năm 2017, Nhà nước hỗ trợ mô hình của anh 33 triệu đồng theo chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi. Trong năm này, anh cũng mở rộng mô hình, trồng thêm cây đu đủ, táo xen lẫn với chuối Thái…
Không may cho anh là, vào năm đó, chuối được mùa nhưng mất giá, khiến vườn cây lỗ nặng, làm anh phải bán sạch vườn chuối để chuyển sang trồng loại cây mới.
Năm 2018, đánh dấu cột mốc 2 năm thất bại trong việc phát triển mô hình trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi của anh. Với một chàng trai 24 tuổi khi đó, anh đã rất hoài nghi về năng lực của bản thân mình, và nhiều lần có ý định bỏ dở việc đang làm.
May mắn thay là vào lúc khó khăn nhất, anh vẫn nhận được sự động viên của bố mẹ. Đứng dậy sau những vấp ngã, anh đã thay đổi, chuyển từ trồng chuối Thái sang chuối tiêu, đồng thời, kết hợp thêm trồng ổi, trồng táo, trồng bưởi. Trong năm này, mô hình của anh làm đã có lãi, trừ hết chi phí, thu nhập ước tính trên 300 triệu đồng.
Năm 2019, anh quyết định thầu thêm 5 ha đất để mở rộng trang trại. Trong cùng năm này, anh được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng tiền cây giống.
Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2025, gia đình anh sẽ tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng, tức 40 triệu đồng/năm để phát triển mô hình.
Đến nay, trên diện tích 10 ha, anh đã có 4.000 gốc ổi (chiếm 3 ha), 7.000 gốc chuối chiếm 5 ha), nuôi 30 con bò, 10 con trâu tại chuồng rộng hàng trăm m2. Với cây ổi, trung bình 1 năm cho ra khoảng 40kg quả/cây, giá bán hiện tại là 10.000đ/kg, trừ hết chi phí, riêng 4.000 gốc ổi, mang về cho anh khoản lãi trên 400 triệu đồng.
Với cây chuối, giá từ 50 – 70.000đ/buồng, mỗi năm cũng thu lãi trên 350 triệu đồng. Cộng với các cây trồng thời vụ khác như táo, bưởi và các loại vật nuôi như trâu bò, lợn gà, ước tính, mỗi năm, doanh thu từ trang trại vào khoảng trên 1 tỷ đồng, trừ hết chi phí, cũng có lãi trên 700 triệu đồng.
“Khi mới làm mô hình thì mình chỉ nghĩ đến việc làm sao cho ra sản phẩm tốt nhất. Khi có sản phẩm tốt rồi, lại phải nghĩ đến việc tiêu thụ. Hiện nay, các sản phảm của mình thường bán trên mạng và tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Ổi mình thường xuất đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang…, cứ có khách đặt là mình gửi đi thôi. Giờ các mối quen cũng ổn định rồi, nên cứ có hàng là bán, và người mua họ trực tiếp đến lấy cũng nhiều lắm”, anh Phước chia sẻ.
Về khoản lợi nhuận theo từng năm, anh Phước nói, một phần để trả nợ ngân hàng, số còn lại, sẽ đập hết vào vườn cây, vật nuôi để tái sản xuất. Anh Phước hy vọng, tới đây, sẽ tiếp tục được UBND xã tạo điều kiện để thầu thêm các mảnh ruộng người dân bỏ hoang, qua đó tạo được mô hình phát triển kinh tế bền vững cho gia đình và địa phương.
Được biết, hiện trang trại của anh đang tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng
Nhận xét về mô hình trên, ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên cho biết: Đây là mô hình trang trại tổng hợp lớn nhất tại địa phương và là một trong những mô hình hiệu quả nhất của huyện Vĩnh Lộc.
“Phước là một đoàn viên thanh niên giỏi, có ý chí khởi nghiệp, quyết tâm rất lớn. Về phía xã, chúng tôi cũng tạo điều kiện hết sức để cậu ấy mở rộng mô hình, thuê thêm đất để làm kinh tế. Khi có các chính sách của Nhà nước hỗ trợ đối với các hộ tích tụ ruộng đất thì chúng tôi cũng luôn ưu tiên cho hộ của Phước. Hy vọng rằng, từ mô hình của cậu ấy, sẽ có thêm nhiều thanh niên trẻ ở địa phương dám nghĩ, dám làm, khát vọng làm giàu ngay trên chính quê hương của mình”, ông Thuật chia sẻ.