Xã hội

Vé tàu xe Tết “nóng” dần

ĐOÀN XÁ 26/12/2023 09:11

Còn khoảng hơn một tháng nữa là chính thức đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, giá vé tàu, vé xe Tết ở khu vực phía Nam đã bắt đầu “nóng”.

img_4690.jpg
Nhiều người dân chọn phương tiện xe khách để về miền Trung dịp Tết. Ảnh: Đ.Xá.

Giá vé máy bay quá cao so với thu nhập của công nhân nên đa số người lao động lựa chọn mua vé xe, vé tàu để về quê dịp Tết. Thời điểm này, nhiều người đã đặt trước vé tàu, xe để không lo bị ép giá những ngày giáp tết.

Chia sẻ cùng chúng tôi, anh Nguyễn Văn Dũng, 43 tuổi ở quận Tân Bình (TPHCM) cho biết, anh mới đặt vé xe khách giường nằm cho cả gia đình (5 người) về quê ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) để về quê ăn Tết. “Nếu đi trước ngày 23 Tết thì giá vé chỉ khoảng 1 triệu đồng, còn sau đó giá đều tăng hết. Gia đình tôi quyết định về ngày 26 Tết thì vé là 1,4 triệu đồng/người” – anh Dũng chia sẻ và cho biết, các công ty xe khách đã có sự đầu tư hơn nên xe mới đẹp, vệ sinh và an toàn hơn nhiều. Nhìn chung giá vé như vậy không rẻ cũng không quá cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịp này, nhiều người dân ở khu vực phía Nam đã đặt vé xe khách để về quê dịp Tết Giáp Thìn sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, các chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung (như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Trị…) được nhiều người chọn lựa phương tiện là ô tô khách. Giá vé của chặng TPHCM đi Đà Nẵng sau ngày 23 Tết dao động từ 600.000 đồng - 1,1 triệu đồng/vé tuỳ nhà xe, ghế (ngồi, ngả hay giường nằm).

Như vậy, so với giá vé máy bay, giá vé xe khách chỉ bằng khoảng 40% tới 50% dịp cao điểm cận Tết nên được nhiều người chọn lựa, nhất là những gia đình có thu nhập thấp, gia đình đông người. Trong khi đó, nhờ hệ thống đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng ở các tỉnh phía Nam trong năm 2023, thời gian di chuyển từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung cũng được rút ngắn rất nhiều. Đây là một lợi thế rất lớn của các hãng xe khách so với tàu hỏa cùng quãng đường di chuyển.

Lấy một ví dụ là thời gian di chuyển từ TP HCM đi Đà Nẵng (khoảng 950km theo hướng quốc lộ 1A) hiện chỉ mất khoảng 11 tới 13 giờ đồng hồ, rút ngắn rất nhiều so với trước (khoảng 18 tới 20 giờ). Nguyên nhân chính là từ TP HCM đi Đà Nẵng hiện đã có khoảng 470km đường bộ cao tốc. Ngoài việc rút ngắn thời gian di chuyển, trục cao tốc Bắc-Nam cũng ngắn hơn đáng kể so với quốc lộ 1A vì quy hoạch theo đường thẳng. Ngoài ra, các tuyến từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây Nam bộ như Cần Thơ, Kiên Giang hay Cà Mau cũng có rất đông hành khách đặt vé dịp Tết Nguyên Đán. Với quãng đường từ 150 tới 300km, giá vé của các tuyến này không tăng nhiều, chỉ dưới 40% so với ngày thường do quãng đường di chuyển ngắn.

Thời gian qua, dù nhiều nhà xe ở TP HCM bị tước phù hiệu và giấy phép vận tải hành khách nhưng thực tế không ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động vận tải hành khách dịp Tết. Nguyên nhân bởi hầu hết các nhà xe này đều phục vụ khách du lịch, chạy các tuyến TPHCM đi những địa phương có nhu cầu du lịch cao. Trong khi đó nhu cầu di chuyển dịp Tết có đặc thù riêng, tới nhiều tỉnh, thành khác nhau.

Theo dự báo, hành khách tại bến xe Miền Đông mới sẽ tăng khoảng 10% vào dịp Tết Nguyên đán, tập trung trong khoảng 20 ngày (10 ngày trước Tết và 10 ngày sau Tết), với 181.520 khách và 9.510 lượt xe, trong đó tăng cao vào các ngày từ ngày 23 tới 28 Tết (tức ngày 2 - 7/2/2024). Giá vé xe khách dịp Tết đi các tuyến này dự kiến tăng từ 40 - 60% tùy từng thời điểm.

Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây dự báo lượng khách sẽ tăng gần 30% dịp Tết 2024. Số lượng khách lên đến khoảng 782.000 người, tập trung vào các ngày 27, 28 và 29 tháng Chạp (tức ngày 6 - 8/2/2024), trung bình trên 45.000 khách/ngày, gấp đôi ngày thường.

Theo ông Phương, Bến xe Miền Tây sẽ tổ chức bán vé phục vụ hành khách từ 5 – 21 giờ mỗi ngày đối với đơn vị ủy thác cho bến bán vé và 24/24 đối với đơn vị tự bán vé. Bến xe dự báo xe khách các tuyến đường khu vực miền Tây sẽ tăng giá vé không quá 40% trong 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết). Cũng theo ông Phương, tuyến có nhiều hành khách nhất là TP HCM đi Cần Thơ. Thời gian qua, dù hãng xe Thành Bưởi (chạy 30 chuyến/ngày) ngừng chạy tuyến này nhưng hiện có nhiều nhà xe khách tăng cường phương tiện cho tuyến này khiến nhu cầu của hành khách vẫn ít hơn năng lực phục vụ các nhà xe.

Dù bắt đầu bán vé tàu Tết từ nửa cuối tháng 10 vừa qua nhưng đến nay, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết vẫn còn nhiều vé từ ga Sài Gòn đi các ga ở miền Trung, miền Bắc tại những ngày trước và sau Tết, ở các toa tàu khác nhau. So với thời điểm trước dịch covid-19, vé tàu hỏa dịp Tết rõ ràng đã bán chậm hơn rất nhiều. Dù giá vé cao hơn nhưng thời gian di chuyển lâu là bất lợi của ngành đường sắt so với các hãng xe khách có sự linh động, nhanh đổi mới theo thị hiếu của hành khách hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vé tàu xe Tết “nóng” dần