Về thăm Kiên Cường, một 'pháo đài' lòng dân thời chống Mỹ

Thanh Nga 10/03/2022 17:28

Chúng tôi về thăm thôn Kiên Cường, xã Hoà Thuận, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (nay là thôn 1, xã Hoà Thuận) giữa những ngày tháng 3 lịch sử. Nằm ở vùng ven thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ Đắk Lắk cũ về phía Đông Bắc, cách tỉnh lỵ khoảng 10 cây số, Kiên Cường là một khu căn cứ cách mạng nằm ngay sát nách địch thời kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây được coi là “bàn đạp” để cơ quan Thị uỷ Buôn Ma Thuột và ngành an ninh, binh vận của tỉnh Đắk Lắk hoạt động, góp một phần rất quan trọng vào việc giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, mở màn cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 lịch sử.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hường, 86 tuổi  – nguyên là điệp báo viên an ninh hoạt động nội thành của Ban An ninh Đắk Lắk (tiền thân của Ty công an Đắk Lắk sau này)
Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hường, 86 tuổi - nguyên là điệp báo viên an ninh hoạt động nội thành của Ban An ninh Đắk Lắk (tiền thân của Ty công an Đắk Lắk sau này).

Nhân chứng một thời, Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Hường, 86 tuổi - nguyên là điệp báo viên an ninh hoạt động nội thành của Ban An ninh Đắk Lắk (tiền thân của Ty công an Đắk Lắk sau này) kể lại: Người dân thôn Kiên Cường ngày ấy vốn là những gia đình có quan hệ mật thiết với Cách mạng ở nhiều huyện của tỉnh Quảng Nam bị Ngô Đình Diệm đưa lên Đắk Lắk sống trong các dinh điền, ấp chiến lược từ những năm 1961-1962 - thực chất là âm mưu ly gián Cách mạng.

Thôn Kiên Cường được nguỵ quyền xây dựng thành ấp chiến lược lấy tên là Đạt Lý 2, còn phía ta đặt tên là ấp Thăng Đạt. Thế nhưng kẻ địch không ngờ rằng âm mưu đó phản tác dụng, các gia đình này chính là những “hạt giống đỏ” trên cao nguyên, khi được các tổ chức Cách mạng móc nối thì trở thành các cơ sở trung kiên. Bà con đã tham gia tiếp tế, nuôi giấu cán bộ và làm công tác Cách mạng giao.

Kẻ địch lập một cái đồn ở ngay tại thôn, với lực lượng gồm 1 đại đội bảo an, 5 trung đội nghĩa quân, 2 đoàn bình định nông thôn (tâm lý chiến) để kiểm soát và tuyên truyền “hồi chánh”. Chúng thường xuyên tổ chức càn quét, bắt bớ tra khảo, hãm hiếp phụ nữ… để uy hiếp tinh thần.

Lúc ác liệt từ chỗ cả thôn có hơn 105 hộ chỉ còn lại 38 hộ kiên cường bám trụ, với tinh thần “một tấc không đi, một li không rời”. Ấp chiến lược như một nhà tù trá hình. Người dân mỗi khi đi làm rẫy hoặc có việc đi ra ngoài đều bị bọn lính đi kèm kiểm soát gắt gao. Thế nhưng bà con vẫn mưu trí, sáng tạo bằng nhiều cách để tiếp tế, cung cấp tin tức cho các tổ chức Cách mạng ở ngoài rừng cách thôn khoảng 2 cây số. Nhiều gia đình còn làm hầm bí mật nuôi giấu cán bộ ngay giữa lòng địch.

Ngay chính bà Võ Thị Hường vừa làm điệp báo an ninh, đi về trung tâm thị xã lấy tin tức sư 23 Nguỵ từ cơ sở nội thành, vừa nuôi giấu 2 cán bộ ngay tại nhà mình.

Bà có chồng là Liệt sĩ Trần Lang, cán bộ Kinh tài căn cứ H6 (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) hy sinh năm 1972. Không biết bao nhiêu lần bị địch bắt bớ, tra tấn, uy hiếp nhưng bà Hường vẫn không khuất phục, không khai báo, kẻ địch không thể làm gì được…

Thôn Kiên Cường như một “pháo đài” hiên ngang thách thức kẻ địch. Thôn có một cây bông gòn cổ thụ, trên đó bà con treo cờ Cách mạng, hễ địch cho quân kéo xuống thì bà con lại treo lên. Thôn Thăng Đạt được ta đổi tên thành thôn “Kiên Cường” từ những lý do đó.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn thôn Kiên Cường có 39 Liệt sĩ, 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó 3 Mẹ có 3 Liệt sĩ; 3 Mẹ có 2 Liệt sĩ), 22 gia đình Liệt sĩ và hàng chục thương binh. Thôn có đền thờ Liệt sĩ khắc tên của 39 Liệt sĩ đã hi sinh anh dũng vì độc lập của dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thôn Kiên Cường có 39 liệt sỹ, 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó 3 Mẹ có 3 liệt sỹ; 3 Mẹ có 2 liệt sỹ), 22 gia đình Liệt sỹ và hàng chục thương binh
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thôn Kiên Cường có 39 Liệt sĩ, 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó 3 Mẹ có 3 Liệt sĩ; 3 Mẹ có 2 Liệt sĩ), 22 gia đình Liệt sĩ và hàng chục thương binh

Phát huy truyền thống đấu tranh Cách mạng trong kháng chiến, người dân thôn Kiên Cường tiếp tục đoàn kết chung tay xây dựng quê hương, biến một vùng đất đạn bom, rào dây thép gai… thành một vùng quê trú phú với những vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái xanh mướt. Đường thôn xóm được nhựa hoá, bê tông hoá, nhà cửa khang trang, sạch đẹp.

Đường thôn xóm được nhựa hoá, bê tông hoá, nhà cửa khang trang, sạch đẹp.
Đường thôn xóm được nhựa hoá, bê tông hoá, nhà cửa khang trang, sạch đẹp.

Ông Đậu Xuân Lộc, nguyên Phó Bí thư chi bộ, rồi Bí thư Chi bộ thôn những năm 2001-2015 cho biết, với sự quan tâm của Nhà nước, từ những năm 1994-1998, người dân ở đây được cấp đất, được đầu tư phát triển cà phê là cây công ngiệp chủ lực ở địa phương với tổng số hơn 200 ha, đảm bảo nước tưới ổn đinh. Kinh tế trong thôn từng bước phát triển, đến nay toàn thôn có hơn 450 hộ nhưng chỉ còn 2 hộ nghèo.

Còn với bà Võ Thị Hường, khi được chúng tôi hỏi về cảm nghĩ của bà trước sự đổi mới của quê hương, bà không kìm nén được cảm xúc: “Thật là kỳ diệu! Ngày trước Bác Hồ nói: “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay’’, nhưng ở Kiên Cường thì phải nói là hơn 100 lần!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về thăm Kiên Cường, một 'pháo đài' lòng dân thời chống Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO