Về việc triển khai 8 chương trình giám sát năm 2015 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam

20/10/2015 22:19

(Phụ lục 1. Kèm theo Báo cáo số 135/BC-MTTW-ĐCT ngày 18/10/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)

1. Chương trình phối hợp về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 (1)

Tổng kết hai năm triển khai tổng rà soát cho thấy: có 2.070.842 người có công đang hưởng các chính sách ưu đãi đã được rà soát, trong đó, số đối tượng người có công hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.769 người, chiếm tỷ lệ 95.75%; số đối tượng hưởng đúng nhưng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người, chiếm tỷ lệ 4.16%; số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người, chiếm tỷ lệ 0.09%.

63.768 trường hợp lần đầu tiên kê khai chưa được xác nhận người có công và hưởng chế độ ưu đãi (trong đó: đề nghị được xác nhận liệt sĩ: 2.020 trường hợp; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: 1.496 trường hợp; xác nhận thương binh: 7.871 trường hợp; xác nhận bệnh binh: 855 trường hợp; xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: 16.295 trường hợp; kê khai lập hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với cựu thanh niên xung phong theo Quyết định số 40/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ là 16.466 trường hợp; số còn lại là những trường hợp kê khai đề nghị hưởng các chế độ khác). Qua triển khai tổng rà soát Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ và địa phương:

- Bộ Y tế sớm ban hành văn bản để tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc, bất hợp lý về bệnh, tật, khám, giám định với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hoá học. Ban hành văn bản sửa đổi về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Hội đồng giám định y khoa.

- Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, sớm hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành Kế hoạch giải quyết những trường hợp còn tồn sót đề nghị xác nhận người có công đối với những trường hợp trong quá trình rà soát phát hiện đã tham gia kháng chiến bị thương hoặc hy sinh nhưng nay không còn giấy tờ gốc với quy trình thủ tục theo diện người biết sự việc xác nhận.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành văn bản hướng dẫn trong việc truy thu đối với đối tượng hưởng sai chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, xử lý những vấn đề tồn tại sau tổng rà soát: hưởng sai, hưởng chưa đủ và những trường hợp chưa được hưởng chính sách ưu đãi theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.

2. Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp (2)

Theo kế hoạch giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) trong các loại hình doanh nghiệp năm 2015, việc triển khai hoạt động giám sát sẽ được tiến hành tại các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Tháp và An Giang.

Tính đến ngày 15/10/2015, chương trình giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình doanh nghiệp năm 2015 đã hoàn thành việc triển khai giám sát tại Nam Định và Hà Nam. Qua giám sát tại hai tỉnh cho thấy, việc thực hiện pháp luật về BHXH hiện nay còn một số tồn tại sau: tỷ lệ nợ đọng BHXH lớn, việc thu hồi nợ BHXH chưa cao; số doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên 3 tháng còn nhiều, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện của người lao động rất thấp; nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, thang lương, bảng lương, quy chế lao động, nội quy lao động và đăng ký tham gia BHXH cho người lao động; việc giải quyết các chế độ BHXH về chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động còn chậm, thường chờ cơ quan BHXH quyết toán mới chi trả cho người lao động; nhận thức của người lao động về tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn chưa rõ ràng.

Qua giám sát, các đơn vị và địa phương kiến nghị: Chính phủ có văn bản hướng dẫn giải quyết dứt điểm đối với các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động; các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về thời hạn làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau, thai sản; BHXH Việt Nam sớm có văn bản chỉ đạo thực hiện Luật BHXH năm 2014; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền và chính sách - pháp luật.

3. Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) giai đoạn 2014 - 2020 (3)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch triển khai 07 đoàn giám sát tại các tỉnh, thành phố. Tính đến ngày 16/10/2015, đã triển khai được 5/7 đoàn giám sát tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nghệ An, Bạc Liêu, Hòa Bình, Gia Lai. Qua giám sát, các đoàn có một số kiến nghị sau:

- Để thuận lợi cho công tác quản lý chất lượng phân bón ở địa phương, đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 về quản lý phân bón, giao cho một bộ chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước cả phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ (hiện nay phân bón vô cơ do Bộ Công thương quản lý, phân bón hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý).

- Đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành về VTNN thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật; khắc phục những hạn chế, yếu kém; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực VTNN đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người sử dụng VTNN, trọng tâm là thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm (nếu có); thông báo kết quả kiểm tra, các đối tượng vi phạm pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng. Quản lý chặt chẽ và đúng quy định pháp luật trong việc cấp phép giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho các cơ sở, hộ buôn bán VTNN. Phối hợp với các công ty sản xuất VTNN, Hội Nông dân các cấp ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các chủ hộ buôn bán VTNN; chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân về sử dụng VTNN an toàn, hiệu quả; phương pháp nhận biết VTNN giả, kém chất lượng...

4. Chương trình phối hợp giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân (4)

Đến hết ngày 12/10/2015 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam tiến hành giám tại 11 cơ sở y tế tư nhân, gồm có: 04 bệnh viện (trong đó 02 bệnh viện có đầu tư nước ngoài, 01 bệnh viện thẩm mỹ, 01 bệnh viện đa khoa); 03 phòng khám phòng đa khoa; 02 phong chẩn trị y học cổ truyền; 02 nhà thuốc. Qua giám sát, 11/11 cơ sở y tế được giám sát cơ bản chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hành nghề y tế tư nhân, chưa pháp hiện vi phạm nghiêm trọng về pháp luật hành nghề y tế tư nhân. Một số vi phạm nhỏ như: tại một số cơ sở chưa hoàn chỉnh lý lịch tư pháp của nhân viên y tế theo quy định luật khám chữa bệnh. Qua giám sát, các đoàn giám sát có một số kiến nghị sau:

- Nhà nước nên thể chế hóa bằng văn bản pháp luật quy định chăm sóc y tế từ xa (Telemedicine) để giảm bớt quá tải cho các cơ sở y tế trong việc tư vấn, khám bệnh, giảm bớt thời gian chờ đợi, đi lại và chi phí cho người bệnh. Hiện nay, các cơ sở y tế tư nhân muốn triển khai hình thức tư vấn - khám bệnh này nhưng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.

- Nhà nước nên giao các cơ sở y tế tư nhân tự chịu trách nhiệm quảng cáo, giới thiệu về các cơ sở của mình, khi cần quảng cáo giới thiệu không cần xin phép, nhưng tăng mức xử phạt nếu vi phạm. Hiện nay, khi cơ sở y tế cần giới thiệu thông tin quảng cáo phải xin phép, phát sinh nhiều giấy phép con.

5. Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở (5)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì xây dựng kế hoạch số 94/KH-MTTW-BTT ngày 04/6/2015 về giám sát liên ngành việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở năm 2015; trong đó, thành lập các đoàn giám sát liên ngành giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở gồm:

5.1.Giám sát việc giải quyết khiếu nại về việc thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh đối với các công dân Trần Thị Dung, Trần Thị Lan, Trần Thị Lợi trú tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Đoàn giám sát triển khai từ ngày 20/7/2015 đến ngày 23/7/2015, kết thúc giám sát đoàn giám sát đã có báo cáo và những kiến nghị cụ thể gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để xem xét kiến nghị đối với các địa phương và các ngành liên quan với các nội dung chủ yếu như sau:

- Bản án qua hai cấp xét xử thấu lý, đạt tình, đã có hiệu lực pháp luật hơn 15 năm nhưng không được các cơ quan hữu quan của tỉnh Tây Ninh tổ chức thi hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Nguyên nhân của sự chậm chễ chủ yếu là do sự phối hợp không tốt giữa cơ quan và chính quyền các cấp liên quan của tỉnh. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở về bản án không đầy đủ nên thiếu sự ủng hộ cơ quan chức năng trong việc thi hành án.

- Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp với Cục thi hành án tỉnh Tây Ninh khẩn trương thi hành bản án để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

5.2. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác quản lý và phát triển chợ tại Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội và Thanh Hóa.

Việc giám sát này được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì và phối hợp với các cơ quan giám sát từ ngày 18/8/2015 -13/10/2015 tại 05 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội và Thanh Hóa. Qua giám sát, Đoàn báo cáo kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để xem xét kiến nghị đối với các địa phương và các cơ quan nhà nước hữu quan quan với các nội dung chủ yếu như sau:

- Việc chuyển đổi mô hình chợ thời gian qua ở nhiều địa phương phát sinh khiếu nại, tố cáo, một số nơi khá gay gắt, có nguy cơ trở thành điểm nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình quy hoạch, lập dự án, xây dựng kế hoạch sửa chữa, xây mới chợ của các địa phương chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật, thiếu dân chủ trong việc lấy ý kiến của các hộ kinh doanh là những người bị ảnh hưởng trực tiếp của việc chuyển đổi.

- Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu để chấp hành chủ trương của chính quyền ở một số nơi làm chưa tốt, chưa có sự vào cuộc thực sự của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Một số nơi khi có khiếu nại, tố cáo xảy ra đã không tập trung giải quyết kịp thời nên dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự xã hội ở địa phương. Một số địa phương khi xử lý đã không quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của nhà đầu tư và các hộ kinh doanh nên mâu thuẫn càng thêm trầm trọng.

- Quy định pháp luật về đầu tư phát triển chợ tại các Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ có một số điểm bất cập với thực tiễn nhất là trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng chợ. Hầu hết các chợ loại 2, loại 3 ở khu vực miền núi, nông thôn không thể huy động được doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vì không có lãi. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng có sự hỗ trợ từ ngân sách trong việc đầu tư phát triển chợ ở những khu vực này.

5.3. Giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử 05 bị cáo Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Việt Sơn, và Đặng Văn Tuyên trong vụ án hình sự xảy ra tại thôn 6, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Từ ngày 12/8/2015 đến ngày 14/8/2015, Đoàn giám sát liên ngành đã tiến hành giám sát vụ việc trên tại tỉnh Tuyên Quang. Qua giám sát, Đoàn đã phát hiện một số thiếu sót, sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử 05 bị cáo, từ đó Đoàn kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có ý kiến để đề nghị các cơ quan Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Công an tỉnh Tuyên Quang và Công an huyện Hàm Yên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Viện kiểm sát nhân dân huyện Hàm Yên, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang rút kinh nghiệm, kiểm điểm những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng; đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp, Hội luật gia Việt Nam, Liên Đoàn luật sư Việt Nam có ý kiến chỉ đạo Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, Hội luật gia tỉnh Tuyên Quang, Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang quán triệt, chỉ đạo các thành viên chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động bào chữa trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định pháp luật.

6. Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện Luật khoa học và công nghệ và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (6)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành triển khai các hoạt động giám sát tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Ninh. Qua giám sát có một số kiến nghị sau:

- Về chính sách: Cụ thể hóa, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần của Luật khoa học và công nghệ mới, tạo điều kiện, hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ của cả nước nói chung, khoa học công nghệ của địa phương nói riêng; đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn về tổ chức, về cơ chế sử dụng và thanh quyết toán tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ.

- Cần có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành trung ương đến địa phương, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan địa phương trong việc quản lý, định hướng phát triển theo từng ngành nghề, lĩnh vực.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng tiếp thu, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước đối với đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của các địa phương, góp phần đưa nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội.

7. Chương trình phối hợp về giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan (7)

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành thu phiếu điều tra xã hội học và phân tích kết quả đối với 200 Hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc.

Đến nay, đã tổ chức giám sát tại thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam và tỉnh An Giang. Trong đó, đã phối hợp với VCCI, ADB tổ chức buổi Tọa đàm trao đổi với các Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng về lĩnh vực thuế và hải quan tại Đà Nẵng; làm việc với Cục Thuế và Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19/NQ-CP, giám sát tại một số doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến thuế và hải quan.

Dự kiến sẽ tổ chức giám sát tại thành phố Hà Nội và tỉnh Lào Cai vào cuối tháng 10/2015. Kết quả cụ thể sẽ được tổng hợp báo cáo sau.

8. Chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 (8)

Đến ngày 15-10-2015, 10/10 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Cà Mau) được lựa chọn đã tổ chức xong điều tra xã hội học đợt 1 và đợt 2. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang gửi phiếu điều tra xã hội học để tổng hợp. Dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ công bố kết quả. Nhìn chung, việc tổ chức điều tra xã hội học đã được tiến hành đồng loạt, bài bản và đầy đủ quy trình như hướng dẫn đã đặt ra tại tất cả các địa phương được lựa chọn.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã cử cán bộ trực tiếp đi giám sát đến tận các xã, phường, thị trấn được lựa chọn điều tra xã hội học của các tỉnh, thành phố: Cà Mau, Tây Ninh, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Hà Nội. Dự kiến Chương trình sẽ kết thúc vào tháng 11/2015. Kết quả cụ thể sẽ được tổng hợp báo cáo sau.

_______________________________________

(1) Chương trình phối hợp số 4836/CTr-BLĐTBXH-MTTW ngày 05/12/2013 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

(2) Chương trình phối hợp số 937/CTPH-TLĐ-MTTW-BLĐTBXH-BHXH-TTCP ngày 07/7/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thanh tra Chính phủ.

(3) Chương trình phối hợp số 17-CTPH/HND-MTTQ-BNN&PTNT-BCT ngày 17/7/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương.

(4) Chương trình phối hợp số 42/CTPH-MTTW-BYT-LHHVN-THYH-HDH ngày 10/9/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam và Hội Dược học Việt Nam.

(5) Chương trình phối hợp số 01/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/11/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam.

(6) Chương trình phối hợp số 06/CTPH-MTTW-KHCN-LHHKHKTVN ngày 11/3/2015 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

(7) Chương trình phối hợp số 07/CTPH-MTTW-BTC-VCCI-LMHTXVN-DNNVV-DNTVN ngày 07/4/2015 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội doanh nhân Trẻ Việt Nam.

(8) Chương trình phối hợp số 11/ CTPH- BNV- HCCB-MTTQVN ngày 06/7/2015 giữa Bộ Nội vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về việc triển khai 8 chương trình giám sát năm 2015 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam