Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau phiên họp thứ hai vừa qua đã yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đây là động thái rõ ràng về công tác cán bộ, hay nói đúng hơn là chặn việc lạm quyền để gây sức ép bổ nhiệm cán bộ một cách vô lý. Vụ việc kể trên tất nhiên là với Vĩnh Phúc nhưng cũng là để từ đó mở rộng ra với nhiều địa phương khác.
Câu chuyện ở Vĩnh Phúc (nếu đúng) liên quan đến Bí thư Tỉnh ủy và con gái, khi con gái bà mới 31 tuổi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Từ lâu, câu chuyện “cả nhà làm quan”, “một người làm quan cả họ được nhờ” đã khiến dư luận bức xúc. Bản chất vấn đề là việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để gây sức ép bổ nhiệm cất nhắc người thân, nhất là chuyện cha con, mẹ con. Bình tĩnh mà nói, đây cũng không phải quá nhiều nhưng dù chỉ một trường hợp thôi nếu làm sai thì cũng gây ra sự bất bình. Vì rằng ai cũng biết, ẩn dưới quy định quy trình thì sức ép từ trên xuống là rất lớn. Trong hầu hết các trường hợp, quy trình luôn được coi là đúng, nhưng thực tế vận dụng lại khác.
Dư luận đòi hỏi công tác cán bộ phải thật sự công khai, minh bạch, thận trọng mà quy trình chỉ là một trong những yếu tố cần. Càng không chấp nhận khi mượn quy trình để “bổ nhiệm thần tốc”.
Trở lại với câu chuyện “con quan thì lại làm quan”, không lẽ chúng ta mãi phải chấp nhận điều đó nếu như nó không đúng, không xứng đáng. Điều mà suốt hàng ngàn năm phong kiến tiền nhân đã rất đau lòng. Vì rằng, nếu như vậy thì con dân biết chỗ nào mà len vào. Tất nhiên ai cũng hiểu, vào chốn quan trường, “con quan” được chuẩn bị kĩ hơn “con dân” nhưng tài năng thì không hẳn. Khi cha mẹ làm quan, ai cũng muốn nâng con lên, đưa con vào vị trí tốt để “nối nghiệp”. Đó cũng là điều dễ hiểu nhưng nếu chỉ vậy thôi thì lại nguy to. Lạm dụng quyền lực để ép mọi người “xếp ghế” cho con cháu trong khi không đủ điều kiện, phẩm chất, năng lực là điều rất đáng trách.
Cũng thật đáng trách là khi bị cấp trên ép, thì trong nhiều trường hợp cả tập thể cấp dưới lại không dám dũng cảm và can đảm đưa ra lời can gián, manh mẽ hơn là phản đối. Ai đó có ý kiến thì lại bị cho là phá rối. Chính vì thế việc “bổ nhiệm thần tốc” mới diễn ra như đã thấy. Ở đây, xin được hoan nghênh Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhanh chóng yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc bổ nhiệm cán bộ trẻ là rất cần thiết và không nên có sự phân biệt cán bộ trẻ là con em lãnh đạo hay “thứ dân”, tất nhiên đó phải là những cán bộ có năng lực, có phẩm chất… Với con em lãnh đạo trước khi bổ nhiệm lại càng phải “giữ ý”. Đó cũng là việc nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là người “quyền cao chức trọng”. Đảng đã có quy định về nêu gương, đặc biệt là với người đứng đầu, trong đó có việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, xử lý cả người để cho người thân của người có chức có quyền được hưởng đặc quyền, dẫn tới công tác cán bộ bị làm sai lệch.
Cũng cần nhắc lại trước đây đã có một số trường hợp bổ nhiệm thần tốc ở Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng gây bức xúc dư luận và cũng đã được cấp có thẩm quyền xử lý. Tiếc rằng, những trường hợp nhãn tiền đó vẫn chưa khiến nơi khác chùn tay. Vụ Bắc Ninh hay Vĩnh Phúc đã cho thấy điều đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, gốc rễ của tham nhũng và lạm quyền là việc giao quyền nhưng thiếu kiểm soát, giám sát, chưa “nhốt” được quyền lực vào “lồng” pháp luật. Như thế quyền lực rất dễ dẫn đến tha hóa. Nói như PGS.TS Vũ Văn Phúc - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản thì các cấp ủy đảng và chính quyền phải nhận diện rõ các biểu hiện tha hóa quyền lực thường gặp, nhất là tình trạng lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, quan liêu, tùy tiện… ở ngay cơ quan, đơn vị mình và công khai để đảng viên, cán bộ, công chức tự đề kháng, tự giác phòng ngừa. Ông Phúc cúng cho rằng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong kiểm soát quyền lực ở từng cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị.
Nhưng, như đã nói, thật đáng tiếc khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức lạm dụng quyền lực, lộng quyền thì nhiều khi nơi đó không dám “can gián”, càng ít khi dám can đảm đấu tranh. Mà cũng chính vì thế sự việc ngày một bị đẩy sâu, trong đó có việc “con quan thì lại làm quan”, cũng như đưa vào hệ thống những người không xứng đáng chỉ vì “theo ý thích”.
Cũng may những trường hợp đó xã hội đã nhìn ra, phản ứng. Và, với những trường hợp bổ nhiệm không đúng, bị lên tiếng thời gian qua đã được xử lý thì niềm tin về công tác cán bộ của Đảng được củng cố.