Trước rất nhiều sức ép từ giới truyền thông và người hâm mộ, VFF vẫn khẳng định sẽ tiếp tục tin dùng HLV Miura. Tuy nhiên, đó chỉ là cách VFF muốn thể hiện sự tôn trọng, một kiểu chơi rất đẹp với ông thầy người Nhật Bản, khi mà bản hợp đồng 2 năm giữa hai bên chuẩn bị kết thúc.
Tương lai của Miura với bóng đá Việt Nam vẫn chưa rõ ràng.
Trong quá khứ, VFF từng nhận biết bao chỉ trích về sự đối xử thiếu chuyên nghiệp hay cạn tình, cạn nghĩa với các HLV trưởng, khi không còn cần họ dẫn dắt ĐTVN và U23 Việt Nam. Còn nhớ khi HLV người Đức Falko Getz sau khi thất bại tại SEA Games 2011, đã bị VFF sa thải. Điều đáng nói là khi ký hợp đồng với HLV này, nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã từng nói như đinh đóng cột: “Đây là HLV giỏi nhất từ trước tới nay”.
Đáng nói hơn nữa là cái cách chấm dứt hợp đồng của VFF với ông thầy người Đức khiến nhiều người bất ngờ. Sau SEA Games 26, ông Falko Getz được về nước nghỉ Giáng sinh nhưng cũng trong thời gian này VFF đã bí mật thống nhất với nhau sẽ chấm dứt hợp đồng sớm với HLV ngoại này, rồi sau đó chỉ… gọi điện thoại để thông báo.
Tại AFF Cup 2012, sau thất bại của ĐTVN, VFF đã đổ hết lỗi cho HLV Phan Thanh Hùng, buộc HLV này phải xin nộp đơn xin từ chức vì sức ép quá lớn. Một ông thầy nội khác là HLV Hoàng Văn Phúc còn bi đát hơn. Sau khi không một HLV trong nước nào lên tuyển, ông Phúc đã dũng cảm nhận lời, cứu cho VFF một bàn thua trông thấy. Thế nhưng, ngay trước thềm SEA Games 27, ông Phúc đã bị VFF suýt cho nghỉ việc chỉ vì không chỉ đạo quân đá hết mình trong một giải… có tính chất giao hữu.
Quá chán nản, ông Phúc sau đó chỉ làm cho có lệ và tất nhiên U23 Việt Nam tại kỳ SEA Games năm đó đã không đạt thành tích như kỳ vọng. Cũng như người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng, HLV Hoàng Văn Phúc đã nộp đơn xin từ chức sau đó.
Những câu chuyện trên vẫn còn thời sự và chẳng ai lạ gì cái cách thích thì dùng, không thích thì sa thải HLV trưởng của VFF. Chính vì mỗi năm một HLV khác nhau mà lối chơi của ĐTQG thiếu bản sắc. Hiện tại, HLV Miura đang là người phải chịu rất nhiều sức ép bởi không xây dựng một lối chơi phù hợp cho ĐTVN và U23 Việt Nam. Không chỉ báo chí, dư luận và các chuyên gia phản đối VFF tiếp tục tin dùng ông Miura, mà ngay cả “người nhà” VFF là Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng nhiều lần đề nghị phải sa thải HLV người Nhật Bản càng sớm càng tốt.
Theo ông bầu phố Núi, ngày nào còn HLV Miura dẫn dắt đội tuyển, thì ngày đó bóng đá Việt Nam không thể phát triển. Thậm chí bầu Đức tuyên bố ông sẽ lo toàn bộ cho đội tuyển nếu VFF sa thải HLV Miura, tức là VFF sẽ không phải bỏ một đồng nào để trả lương cho các HLV ngoại, các đợt tập trung, tập huấn, giao hữu và thi đấu.
Lần này thì VFF đã chuyên nghiệp hơn trong cách đối xử với HLV trưởng. Trước sức ép lớn, nhưng VFF khẳng định đây chưa phải là thời điểm cho ông Miura nghỉ việc, dù quyết định chấm dứt hợp đồng là quá dễ.
Tại Hội nghị BCH và đặc biệt là Đại hội thường niên VFF khoá VII vừa qua, vần đề chấm dứt hợp đồng với HLV Miura không được bất cứ thành viên nào đưa ra ý kiến (bầu Đức vắng mặt ở 2 sự kiện này).
Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ cho biết: “Thường trực và BCH họp đều không đề cập tới hợp đồng của HLV Miura. Tới đây nhiệm vụ của U23 Việt Nam rất nặng nề. Trước khi ra trận cũng phải để tướng tĩnh tâm, yêu đời, lạc quan. Vì thế, chúng tôi chưa nghĩ tới việc chấm dứt sớm hợp đồng với HLV Miura”.
Sắp tới, U23 Việt Nam sẽ tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2016 tại Qatar. Thầy trò HLV Miura đang miệt mài tập luyện tại Hà Nội, Bình Dương và TP.HCM để có sự chuẩn bị tốt nhất cho giải lần này, với mục tiêu vào tới tứ kết. Nếu đánh mất niềm tin và gây sức ép với HLV Miura, chắc chắn VFF sẽ chẳng có lợi gì.
Dù khẳng định sẽ không sa thải HLV Miura ở thời điểm này, nhưng nhiều khả năng sau khi khi kết thúc chiến dịch vòng chung kết U23 châu Á 2016, số phận của nhà cầm quân người Nhật Bản sẽ được quyết định. Bản hợp đồng của HLV Miura sẽ kết thúc vào tháng 4 năm sau và khi đó VFF sẽ không bị mang tiếng là chơi không đẹp với ông Miura.