Sẽ khó xảy ra chuyện sa thải sau cuộc họp hôm nay dù nhiều người mong muốn điều đó, bởi hợp đồng của HLV Miura chỉ còn hai tháng nên chia tay bằng cách “không gia hạn” sẽ đẹp hơn, dễ ăn nói và dễ ứng xử hơn của VFF với đối tác toàn diện Nhật Bản.
Tương lai của HLV Miura sẽ rõ hơn sau cuộc họp này.
Hôm nay 28/1, Hội nghị ban chấp hành VFF lần 7 - nhiệm kỳ VII sẽ được diễn ra tại TP HCM. Hội nghị này được đặc biệt chú ý không chỉ bởi sẽ bàn nhiều nội dung như tình hình chuẩn bị và thi đấu của các đội tuyển quốc gia năm 2016, việc hợp tác với LĐBĐ Qatar, báo cáo của thường trực ban chấp hành VFF, tài trợ.... mà là việc tương lai của HLV Miura sẽ là tâm điểm của mọi sự chú ý.
Thất bại của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2016 đã khiến tương lai của HLV Miura bấp bênh hơn bao giờ hết. Hợp đồng giữa thuyền trưởng người Nhật Bản và Liên đoàn bóng đá Việt Nam chỉ còn hiệu lực đến hết tháng 4/2016 nhưng đôi bên vẫn chưa có động thái gia hạn thêm.
Trong một tuyên bố gần đây, ông Trần Anh Tú, thành viên Thường trực VFF noia: “Tôi nghĩ bấy giờ mà VFF chưa gia hạn hợp đồng với HLV Miura thì mọi người cũng tự hiểu sự gắn bó giữa 2 bên là đến đâu”. Do đó, cơ hội để HLV Miura và VFF tiếp tục đồng hành sau thời điểm kết thúc hợp đồng là rất mong manh.
Tại vòng chung kết U23 châu Á, giải đấu được đánh giá quá tầm so với thực tế bóng đá Việt Nam hiện tại, thầy trò HLV Toshiya Miura thua cả ba trận và sớm bị loại tại vòng bảng. Nhà cầm quân người Nhật Bản chịu nhiều sức ép vì trước đó đặt mục tiêu vào tứ kết, bên cạnh nhiều quyết định khó hiểu trong việc sử dụng nhân sự, điển hình như chuyện không cho Tuấn Anh thi đấu ở hai trận đầu tiên gặp U23 Jordan và U23 Australia.
Trở về Việt Nam, HLV Miura đã có buổi làm việc với các phòng ban chức năng của VFF để báo cáo tình hình sơ bộ của đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á và ông sẽ có báo cáo tổng kết về chuyên môn gửi đến Thường trực VFF. Những ưu nhược điểm và những gì cần phải làm sẽ được phân tích một cách cụ thể với lãnh đạo VFF.
HLV Miura sẽ phải có báo cáo chi tiết về quá trình chuẩn bị, những gì làm được và chưa làm được trong suốt thời gian gắn bó với bóng đá Việt Nam để rút kinh nghiệm. Chắc chắn, trong bản báo cáo của mình, HLV Miura chỉ nhấn mạnh về vấn đề chuyên môn, trong khi đó VFF lại dành sự quan tâm khá lớn tới vấn đề tư tưởng. Nhưng, thực tế đến lúc này, ngay sau khi kết thúc VCK U23 châu Á, HLV Miura đã xin nghỉ phép vài ngày để nghỉ ngơi và giảm tải những áp lực.
Đến trước hội nghị này, thuyền trưởng người Nhật vẫn chưa nộp bản báo cáo và thường trực VFF cũng chưa có buổi làm việc cụ thể nào với ông thày người Nhật. Tuy nhiên, HLV Miura lúc này vẫn đang ở Việt Nam chứ không phải về nước như tin đồn và đang nghiên cứu rất kỹ về Đài Loan (Trung Quốc) và Iraq, 2 đối thủ sắp tới của ĐT Việt Nam tại vòng loại World Cup 2018.
VFF cần chứng minh mình là tập thể đoàn kết thực sự
chứ không phải là công ty TNHH… 2 thành viên.
Có thể HLV Miura biết trước kết cục và cũng chẳng có ý định gắn bó lâu dài với ĐT Việt Nam sau khi hết hợp đồng, nhưng trước mắt khi vẫn tại vị, ông không hề buông xuôi mà vẫn muốn làm tất cả những gì trong khả năng, trách nhiệm của mình. Điều đó thực sự cho thấy tính chuyên nghiệp của ông Miura và là điều đáng quý và đáng trân trọng nơi ông.
Chính bởi vậy, càng khó có khả năng VFF có ngay quyết định kết thúc với HLV Miura luôn mà vẫn sẽ để nhà cầm quân người Nhật Bản tiếp tục dẫn dắt đội tuyển VN trong hai trận còn lại ở vòng loại World Cup 2018 với Đài Loan (24/3) trên sân Mỹ Đình và Iraq (29/3) trên sân khách. Bởi dù gì hợp đồng vẫn còn và 2 trận đấu này không còn quá quan trọng. Cùng với đó, VFF chắc chắn đã rút ra bài học đáng nhớ để không tiếp tục phạm phải sai lầm sa thải HLV trưởng chỉ bằng một tin nhắn như đã từng áp dụng với HLV Franko Goets trước đây để rồi nhận không biết bao lời chỉ trích cùng những ánh mắt thiếu thiện cảm nơi bạn bè quốc tế.
Sẽ khó xảy ra chuyện sa thải sau cuộc họp hôm nay dù nhiều người mong muốn điều đó, bởi hợp đồng của HLV Miura chỉ còn hai tháng nên chia tay bằng cách “không gia hạn” sẽ đẹp hơn, dễ ăn nói và dễ ứng xử hơn của VFF với đối tác toàn diện Nhật Bản.
Lúc này, cuộc họp của VFF sẽ được chú ý nhiều hơn bởi những phát ngôn, những hành động sau cuộc họp này có cho thấy họ tìm lại được sự ăn ý, hoà hợp… dù để che mắt thiên hạ trước những mâu thuẫn nội bộ quá lớn đã bộc lộ thời gian qua.
Những gì PCT VFF Nguyễn Xuân Gụ phát biểu thời gian qua đã cho thấy VFF không phải là một tập thể đồng nhất bởi nếu là tập thể đoàn kết, đồng lòng thì mọi việc phải được công khai, cùng bàn luận và phải có sự phân tích đúng sai.
Việc VFF bị ví như công ty TNHH 2 thành viên càng khiến họ dễ mất đoàn kết và đùn đẩy trách nhiệm. Cùng với đó, việc hợp tác với Qatar cũng sẽ được mọi người chú ý. Bởi kể từ khi lên ghế Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng đã khẳng định và có những việc cụ thể hợp tác toàn diện với Nhật Bản. Thế nhưng, việc PCT thường trực Trần Quốc Tuấn sang Quatar làm việc mà đến PCT khác như ông Xuân Gụ cũng chẳng biết sang làm gì, hợp tác cái gì? càng khiến người ta chờ có được câu trả lời ai, nhóm người nào chủ trương sang hợp tác với bóng đá Quatar.
Điều mọi người mong muốn sau cuộc họp này là VFF phải cho thấy những mục tiêu cụ thể để đưa bóng đá nước nhà thoát khỏi vòng u ám như hiện tại và chứng minh mình thực sự đoàn kết. Đoàn kết ở đây không phải là hình thức, phải đoàn kết thực sự và cùng nhau chia sẻ mọi vấn đề để giúp bóng đá nước nhà đi lên. NHM hy vọng hội nghị lần này sẽ không chỉ là họp cho có và sẽ là cuộc gặp mặt giữa các vị nắm tương lai của bóng đá nước nhà thể hiện sự bằng mặt chúc tụng nhau vui vẻ trước Tết dù không bằng lòng mà thôi.