Để bảo vệ tài sản và dữ liệu cá nhân của người dùng, Momo đã ứng dụng công nghệ AI xuyên suốt toàn bộ quá trình sử dụng, giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường, từ đó cảnh báo và ngăn chặn ngay từ đầu các hình thức tấn công.
Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2023 đã khởi tố 1.500 vụ án về tội lừa đảo trên không gian mạng, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tổ chức, cá nhân, tác động tiêu cực đến ngành cũng như toàn xã hội.
Tại Hội thảo “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” do Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) vừa tổ chức, ông Thái Trí Hùng - Phó Tổng giám đốc Cấp cao, Giám đốc Công nghệ MoMo đã chia sẻ về “Một số hình thức lừa đảo phổ biến - Kinh nghiệm phòng chống tại MoMo”.
Với mục tiêu bảo vệ tài sản và dữ liệu cá nhân của người dùng, MoMo đã và đang ứng dụng công nghệ AI để tạo ra một cơ chế phòng vệ nhiều lớp. Trong bài tham luận, ông Thái Trí Hùng chia sẻ những giải pháp và kinh nghiệm chống lừa đảo thực tiễn mà Fintech đã triển khai trong thời gian qua, nhằm ứng phó với các chiêu thức ngày càng tinh vi của các đối tượng xấu như lừa cài đặt phần mềm độc hại, cung cấp OTP và mật khẩu, liên kết thanh toán...
Đối với trường hợp người dùng cài đặt các phần mềm độc hại, ngoài biện pháp thêm phần mã hoá dữ liệu, đội ngũ kỹ sư bảo mật tại MoMo đã thực hiện việc phân tích mã độc, trích xuất các đặc trưng nhận dạng và thực hiện cảnh báo người dùng nếu phát hiện các dấu hiệu bị tấn công.
Đối với trường hợp người dùng cung cấp OTP, mật khẩu khi kẻ xấu dùng “social engineering” hay “phishing” thông báo trúng thưởng, MoMo ứng dụng AI để phân tích hành vi của đối tượng lừa đảo, phân tích luồng đi của dòng tiền.
Trường hợp chính người dùng tự thực hiện hành vi liên kết và thanh toán do rơi vào bẫy lừa đảo, ngoài việc áp dụng AI và phân tích dòng tiền, MoMo còn tự phát triển hệ thống rà quét tự động các hội nhóm đang chia sẻ phương pháp tấn công, các quảng cáo sai sự thật nhằm đánh lừa người dùng, đồng thời nỗ lực ngăn chặn ngay từ đầu các hình thức tấn công này.
Ông Thái Trí Hùng cho biết, hiện nay MoMo đầu tư rất nhiều công nghệ mới từ ngân sách cho đến con người. Hiện tại, MoMo có hơn 200 người là đội ngũ làm Data và AI với 2 nhóm đảm trách an toàn bảo mật độc lập cùng với đó là các nhóm giám sát mạng xã hội.
Tuy nhiên, bản thân người dùng cũng cần trang bị kiến thức, luôn cảnh giác để tự bảo vệ mình. Do đó, nâng cao nhận thức của khách hàng cũng là một phần trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, ông Hùng cũng cho rằng nếu như trước đây, việc phòng chống thường diễn ra tại tường lửa và các hệ thống backend (dữ liệu giúp ứng dụng hoạt động), thì giờ đây đã được mở rộng đến thiết bị của khách hàng hoặc ngay trên Internet.
Qua bài tham luận, ông Thái Trí Hùng kêu gọi cộng đồng hãy ủng hộ các quy định mới về đảm bảo an toàn, ủng hộ các nỗ lực nâng cấp giải pháp của các nhà cung cấp dịch vụ và liên tục cập nhật cho mình các kiến thức phòng vệ trên không gian mạng.