Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử ĐBQH khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Trước những vấn đề lớn được Tổng Bí thư đặt ra, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trọng tâm của quan điểm đó đều xoay quanh tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Theo ông Nguyễn Túc, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh thành công của Đại hội XIII của Đảng; khi cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đến rất gần.
Tổng Bí thư đã tổng kết lại quá trình thực hiện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong suốt thời gian qua, đặc biệt qua 35 năm đổi mới chúng ta đã dần hoàn chỉnh được đường lối và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng. Qua đó nhận thức rõ hơn quá độ lên chủ nghĩa xã hội là quá trình lâu dài, có những giai đoạn nhất định, ở mỗi giai đoạn đó phải có những bước đi phù hợp.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Tổng Bí thư đã đề cập phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Bên cạnh đó xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Theo ông Túc, những quan điểm ấy đã thể hiện xuyên suốt tư tưởng lấy dân làm gốc, tôn trọng những quy luật khách quan qua các kỳ Đại hội và trong suốt 35 năm qua khi tiến hành đổi mới đất nước. “Chính nhờ dựa vào quy luật khách quan, dựa vào dân và nhìn thẳng vào sự thật chúng ta liên tiếp giành được những thành tựu như ngày hôm nay, đời sống của người dân được cải thiện tăng gấp 17 lần so với trước đây”- ông Túc nói.
Từ những hệ thống quan điểm lớn của Tổng Bí thư, ông Túc cho rằng, điều đó đều hướng tới việc xây dựng xã hội phồn vinh và hạnh phúc. Trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta (tại Hội nghị thành lập Đảng, tháng 2/1930) khẳng định sự lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản, gắn kết độc lập dân tộc và CNXH, đưa cách mạng Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của cách mạng thế giới. Khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã xác định 3 mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Thời gian qua vì chiến tranh liên miên nên chúng ta chưa có điều kiện làm điều đó. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay đất nước ta đã có được sự nghiệp, cơ đồ, vị thế, uy tín thì càng phải thực hiện cho được mục tiêu phồn vinh và hạnh phúc.
Để cụ thể hóa việc đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân như Tổng Bí thư đã chỉ ra, theo ông Túc, cần thực hiện cho được nhiều nhiệm vụ. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế phải bình đẳng giữa các thành phần, hoạt động theo pháp luật, phát triển kinh tế phải gắn liền với tiến bộ công bằng xã hội. Mục tiêu lợi nhuận là tối cao của chủ nghĩa tư bản nhưng với chủ nghĩa xã hội thì cuộc sống và hạnh phúc của người dân mới là mục đích tối cao. Phát triển kinh tế là để lo cho cuộc sống của người dân chứ không đơn thuần chỉ vì mục đích kinh tế.
“Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Cái đích được Tổng Bí thư nhấn mạnh chính là mục tiêu 100 năm Ngày thành lập Đảng và 100 năm Ngày thành lập Nước. Do đó chúng ta cần phấn đấu để đạt cho được mục tiêu phồn vinh hạnh phúc của nhân dân”- ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.