Hội nghị lãnh đạo Phật giáo lần thứ 2 đánh dấu cam kết tăng cường quan hệ đối tác học thuật, trao đổi văn hóa, bảo vệ môi trường… giữa các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam, Lào và Campuchia.
Ngày 25/12, tại cơ sở II - Học viện Phật giáo Việt Nam (TP HCM), Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.
Tham dự Hội nghị có ông Hoàng Công Thuỷ, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam; ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Về phía 2 nước bạn có Hòa thượng Mahabounma Simmaphom, Chủ tịch Tổ chức Phật giáo Trung ương Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Hòa thượng Khim Son, Chủ tịch Ban Thư ký Hội đồng Tăng thống Phật giáo tối cao, Vương quốc Campuchia;… cùng hơn 1.000 tăng, ni, Phật tử 3 nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhấn mạnh, Hội nghị lãnh đạo Phật giáo đánh dấu cam kết tăng cường quan hệ đối tác học thuật giữa các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Hội nghị còn kêu gọi hành động, hợp tác bền vững hướng tới bảo vệ môi trường, tăng cường trao đổi văn hóa giữa các nước.
“Hãy để tinh thần của Hội nghị lãnh đạo Phật giáo 3 nước tiếp tục tồn tại trong hành động, thắp sáng con đường đến tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc và sự phát triển tiếp tục nở rộ của Phật giáo ở sông Mê Kông ”, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, với chủ đề “Quản lý môi trường: Nuôi dưỡng thế giới bền vững”, hội nghị thượng đỉnh lần này phù hợp với lời dạy của Đức Phật, nhắc nhở chúng ta rằng hạnh phúc thực sự chỉ có thể đạt được khi chúng ta sống hòa hợp với thế giới tự nhiên.
Thượng tọa Tổng Thư ký cũng mong rằng, với 6 chủ đề: Sự kết nối và công bằng môi trường: Cách tiếp cận của Phật giáo; Đạo đức Phật giáo và lối sống bền vững: Hòa hợp với thế giới tự nhiên; Chánh niệm và đạo đức sinh thái: Nuôi dưỡng tương lai bền vững; Tiêu dùng có ý thức và môi trường; Giáo dục và nhận thức về môi trường: Cách tiếp cận của Phật giáo; Trí tuệ bản địa và chủ nghĩa môi trường Phật giáo sẽ hướng dẫn chúng ta sửa chữa mối quan hệ giữa nhân loại và trái đất, cùng nhau vun đắp thế giới nơi hạnh phúc của mọi sinh vật phát triển mạnh mẽ trong khu vườn của lòng nhân từ.
Tại phiên khai mạc, đại diện lãnh đạo Phật giáo 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia cũng đã ký kết bản tuyên bố hợp tác giữa các bên nhằm khẳng định sức mạnh tập thể trong việc thiết lập phương hướng cho Phật giáo ở Đông Nam Á.
Hòa thượng Vong Kim Sorn, Chủ tịch Ban Thư ký Hội đồng Tăng thống Phật giáo tối cao Vương quốc Campuchia cũng kêu gọi tăng cường liên kết hợp tác Phật giáo giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia; chia sẻ mối liên hệ lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia; đồng thời khẳng định cội nguồn chung này là minh chứng cho các mối liên hệ đã hình thành nên cảnh quan văn hóa của chung cần phải tiếp tục phát triển, mở đường cho tương lai hợp tác Phật giáo Đông Nam Á sôi động hơn.
Để tăng cường sự hợp tác giữa các bên, Hòa thượng Vong Kim Sorn đề xuất ba trụ cột quan trọng gồm: giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo có vai trò là nền tảng, để tạo dựng những mối liên kết mới, nuôi dưỡng lòng nhân ái và tôn vinh sự liên kết giữa các truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa.
Tại hội nghị, Hòa thượng Mahabounma Simmaphom, Chủ tịch Tổ chức Phật giáo Trung ương Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào chia sẻ nhiều thông tin về Phật giáo Lào, việc tái kết nối xuyên sông Mê Kông; tạo dựng những mối liên kết mới trong giáo dục, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo và chia sẻ thành quả của di sản đang nở rộ. Đồng thời, tin tưởng Hội nghị lãnh đạo Phật giáo lần này là mảnh đất màu mỡ để gieo trồng những hạt giống hợp tác đổi mới và chia sẻ trí tuệ trên tinh thần kết nối vùng Mê Kông: Đổi mới quan hệ Phật giáo Việt Nam, Lào, Campuchia.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ bày tỏ sự tin tưởng với nỗ lực chung và mục tiêu chung, vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển, Hội nghị Thượng đỉnh Chủ tịch Phật giáo 3 nước được tổ chức tại Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường tình hữu nghị đặc biệt, truyền thống giữa ba nước nói chung và Phật giáo 3 nước nói riêng.
Ông Vũ Chiến Thắng mong muốn, Liên minh Phật giáo Lào, Tăng gia Phật giáo Vương quốc Campuchia và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục lan tỏa và phát huy giá trị đạo đức Phật giáo tốt đẹp, lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái, vì cộng đồng xã hội, quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam, người Lào và người Campuchia hòa nhập vào đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở nước sở tại, cùng tổ chức Phật giáo và nhân dân xây dựng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cùng phát triển bền vững.