Ngày 25/6, tại Hà Nội, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức diễn đàn “Vận động chính sách và giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em vì một thế hệ an toàn và khoẻ mạnh”.
Trẻ em phải lao động nặng nhọc ảnh hưởng nghiêm trọng việc phát triển thể chất và tinh thần.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nêu rõ: “Vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh” là chủ đề ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2018.
Việt Nam đã ban hành nhiều quy định, triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em, nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết, trong đó có mục tiêu 8.7 về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm nhất.
Tuy nhiên để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.
Ông Ogasawara Minoru, cố vấn trưởng dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam” (ENHANCE) cho rằng: Để giảm thiểu lao động trẻ em cần có nền tảng pháp lý vững chắc, thường xuyên cập nhật danh sách các công việc nguy hiểm, độc hại; củng cố cơ chế thực thi pháp luật, có sự tham gia của nhiều bên liên quan; thúc đẩy quản lý an toàn vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, cần có các chương trình giáo dục an toàn vệ sinh lao động trong nhà trường để các em biết về những rủi ro trong lao động. phòng ngừa lao động trẻ em.
Trong đó có cải thiện chất lượng giáo dục để giảm tỷ lệ bỏ học ở trẻ em; tăng cường các biện pháp can thiệp, trợ cấp cho gia đình nghèo vì đói nghèo là một nguyên nhân chính dẫn tới lao động trẻ em. Ngoài ra cần xây dựng khung pháp luật và chính sách phù hợp với chuẩn mực quốc tế, cấm tất cả các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; xây dựng chính sách tiếp cận đa chiều...
Còn Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam thì đề cập đến một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em như sửa đổi, bổ sung quy định về lao động trẻ em và lao động chưa thành niên trong Bộ Luật Lao động; tiếp tục tiến hành khảo sát quốc gia về lao động trẻ em; ...
Lao động trẻ em có nguy cơ cao phải chịu các tai nạn thương tích và bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tâm lí. Các em còn chưa qua đào tạo, thiếu kinh nghiệm làm việc, hạn chế nhận thức về các mối nguy hiểm liên quan đến công việc.
Điều này đặt ra thách thức cho các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam trong việc nâng cao trách nhiệm, nỗ lực hơn nữa để xoá bỏ lao động trẻ em.
Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, hiện có khoảng 152 triệu lao động trẻ em trên thế giới. Trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm lý, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp. Tại Việt Nam, Báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho thấy cả nước có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em, chiếm 9,6% trẻ em từ 5 - 17 tuổi. Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp,chính sách nhằm đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. |