Thời gian qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có hàng loạt văn bản gửi đến các đơn vi sản xuất phim, nghệ sĩ... về việc tự ý sử dụng các ca khúc mà hoàn toàn không xin phép các tác giả. Tuy nhiên, dường như các cảnh báo này vẫn chưa là “liều thuốc” đặc trị cho những sai phạm ngày càng xảy ra tràn lan.
Cảnh trong phim “Ngôi nhà bươm bướm”.
Sau bộ phim “Quỳnh búp bê”, mới đây nhà sản xuất “Ngôi nhà bươm bướm” lại tiếp tục đi vào “lối mòn” sai phạm khi sử dụng trái phép 2 ca khúc “Taxi” và “Đường cong” của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và ca sĩ Thu Minh. Theo luật sư đại diện của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và ca sĩ Thu Minh đoàn phim “Ngôi nhà Bươm Bướm” đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền độc quyền của chủ sở hữu... Trong đó, hành vi thứ nhất chính là việc sử dụng trái phép bản ghi âm bài hát “Taxi”, phía nhà sản xuất bộ phim đã sử dụng bản ghi âm ca khúc “Taxi” mà không xin phép, không trả phí (tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất), xâm phạm “quyền độc quyền” của chủ sở hữu. Hành vi thứ hai là việc sử dụng ca khúc “Đường cong” trái phép, sai với mục đích cấp phép ban đầu và vi phạm quyền của tác giả Nguyễn Hải Phong đối với tác phẩm...
Về phía ca sĩ Noo Phước Thịnh cũng đã gửi văn bản cảnh báo bị vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan đến nhà sản xuất bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm” kèm những yêu cầu bồi thường cụ thể. Trong văn bản, luật sư của ca sĩ Noo Phước Thịnh chỉ ra nhà sản xuất bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm” có hành vi sao chép, trích ghép và phân phối bản ghi âm mà không được phép của chủ sở hữu; yêu cầu nhà sản xuất “Ngôi nhà bươm bướm” phải lập tức gỡ bỏ bản thu bài “Mãi mãi bên nhau” ra khỏi bộ phim, xin lỗi Noo Phước Thịnh và nhạc sĩ Đỗ Hiếu trên các phương tiện thông tin đại chúng vì hành vi vi phạm quyền liên quan của quyền tác giả nói trên; phải bồi thường 500 triệu đồng đối với thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi vi phạm gây ra.
Sau sự việc trên, đoàn làm phim “Ngôi nhà bươm bướm” cho biết sẽ bồi thường thiệt hại; vì chưa hiểu hết về bản quyền tác giả nên họ chỉ xin phép VCPMC mà “bỏ qua” sự đồng ý từ nhạc sĩ. Ngoài ra, đơn vị sản xuất “Ngôi nhà bươm bướm” cho biết bản phim mới được Cục Điện ảnh duyệt sau khi bỏ ca khúc “Mãi mãi bên nhau” của Noo Phước Thịnh và “Taxi “ của ca sĩ Thu Minh.
Về vấn đề này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn- Giám đốc VCPMC cho rằng, để tránh bị vi phạm và kiện tụng không đáng có, trước khi sử dụng bài hát làm nhạc phim cần tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan. Đối với tác giả đã ký ủy quyền để VCPMC quản lý, cấp phép thì liên hệ VCPMC thực hiện. Trong trường hợp nói trên, ca khúc “Mãi mãi bên nhau” do nhạc sĩ Đỗ Hiếu sáng tác đã uỷ quyền cho VCPMC làm đại diện, đứng ra thu hộ tiền tác quyền âm nhạc. Trong quyền hạn của mình, VCPMC đã đứng ra cấp phép cho đoàn làm phim “Ngôi nhà bươm bướm” được phép sử dụng ca khúc “Mãi mãi bên nhau” trong phim này. Phía đoàn làm phim cũng đã nộp tiền tác quyền theo quy định. Tuy nhiên, với chức năng của mình, VCPMC chỉ cung cấp cho êkíp làm phim quyền tác giả. Với quyền tác giả đó, êkíp làm phim có thể mời gọi ca sĩ, nhạc sĩ về dựng một bản thu âm mới thì không vi phạm về tác quyền. Nhưng đoàn làm phim “Ngôi nhà bươm bướm” lại tự ý lấy bản thu của MV “Mãi mãi bên nhau” để đưa vào trong bộ phim là sai. Vẫn theo ông Cẩn, ngoài việc thực hiện quy định về quyền tác giả theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, tương ứng với mỗi sản phẩm âm nhạc và hình thức sử dụng, còn cần phải tìm hiểu để thực hiện nghĩa vụ theo Điều 29 (quyền của người biểu diễn), Điều 30 (quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình), Điều 31 (quyền của tổ chức phát sóng) trong việc xin phép và trả tiền thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu các quyền liên quan.
Có thể thấy, những vô tình trong vi phạm bản quyền âm nhạc của các đoàn làm phim xảy ra khá nhiều. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, đoàn làm phim... khi bị phát hiện vi phạm thường có chung câu trả lời vô tư “không hiểu luật”. Lâu nay, người vi phạm cứ bị tố cáo thì nhận lỗi là xong, còn các tác giả lại thường ngại không muốn làm “to chuyện” nên đã cho qua, vô tình tiếp tay cho thói quen “xài của chùa” khó kiểm soát.