Ngày 29/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ thông tin, đến hết tháng 9, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng đã cưỡng chế công trình vi phạm của 2/7 doanh nghiệp xây dựng trong Vườn Quốc gia Cát Bà. Hết năm 2022, các ngành chức năng phải hoàn thành cưỡng chế các công trình xây dựng không phép để bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Cát Bà.
Tràn lan xây dựng trái phép
Theo xác định từ Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng, giai đoạn 2009 - 2010, Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà (trên quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) đã ký hợp đồng liên danh, liên kết với 7 doanh nghiệp có trụ sở tại TP Hà Nội, TP Hải Phòng để các doanh nghiệp khai thác vùng nước. một phần đất lâm nghiệp, đất rừng đặc dụng kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái.
Theo đó, 7 doanh nghiêp đã được trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường ký cam kết cho thuê mặt nước tại khu vực đảo Nam Cát, khu vực hòn Ba Cát Bằng, bãi Tháp nghiêng, khu vực đảo Cát Dứa 1, đảo Cát Dứa 2, khu vực Bãi Tai Kéo, bãi tắm Vạn Bội và khu vực Trung tâm Vườn Quốc gia Cát Bà.
Trong đó, có 3 doanh nghiệp được ký cam kết cho thuê 250ha mặt nước và đất rừng, 4 doanh nghiệp còn lại không xác định được diện tích mặt nước sử dụng. Theo các bản cam kết liên danh, liên kết, chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Du lịch dịch vụ thủy sản thương mại Thùy Trang và Công ty TNHH Đảo Cát được phép xây dựng 1.795m2 nhà.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, 7 doanh nghiệp đã xây dựng hàng loạt công trình kiên cố, bán kiên cố tại Vườn Quốc gia Cát Bà. Doanh nghiệp xây dựng ít nhất cũng lên đến 2.286m2 nhà kiên cố, nhà bán kiên cố. Doanh nghiệp xây dựng nhiều nhất, lên tới 9.741m2 nhà kiên cố, nhà bán kiên cố. Tổng diện tích xây dựng kiên cố, bán kiên cố từ các doanh nghiệp này lên đến 39.669m2 giữa Vườn Quốc gia Cát Bà.
Theo xác định từ UBND TP Hải Phòng, những doanh nghiệp thực hiện xây dựng khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án; những công trình xây dựng không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, không có giấy phép xây dựng; các doanh nghiệp này không được cấp phép lưu trú tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Điều đáng nói, từ năm 2016, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu Vườn Quốc gia Cát Bà chấm dứt các hoạt động liên danh, liên kết này. Tuy nhiên, cũng phải đến cuối năm 2018, đầu năm 2019, Vườn Quốc gia Cát Bà mới có thông báo gửi tới các doanh nghiệp này đề nghị ngừng hoạt động liên danh, liên kết khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch Vườn Quốc gia Cát Bà. Trên thực tế, theo ghi nhận từ UBND TP Hải Phòng, các doanh nghiệp cũng không chấm dứt liên danh, liên kết, vẫn kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu vực này.
Hoàn thành trong năm 2022
Để giải quyết những sai phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà, Thành ủy và UBND TP Hải Phòng đã có nhiều cuộc kiểm tra thực tế, chỉ đạo, thông báo kết luận xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, các bên vi phạm không tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm. Bởi vậy, TP Hải Phòng đã phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hải Phòng, ngày 28/4/2022 thực hiện tháo dỡ xong toàn bộ công trình của Công ty TNHH Đảo Cát tại bãi Tai Kéo; ngày 10/6/2022 tháo dỡ xong toàn bộ công trình của Công ty CP Khu du lịch đảo Cát Bà tại bãi Cát Dứa 1 và bàn giao mặt bằng cho Vườn Quốc gia Cát Bà quản lý theo quy định.
Đến ngày 19/9/2022 phá dỡ xong toàn bộ công trình xây dựng của Công ty CP Thương mại Tùng Long xây dựng tại hòn Ba Cát Bằng và bàn giao cho Vườn Quốc gia Cát Bà quản lý. Còn một số công trình vi phạm của Công ty CP Thương mại Tùng Long tại hòn Tháp Nghiêng và của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ thủy sản thương mại Thùy Trang đang tiến hành tháo dỡ. Dự kiến sẽ cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm của Công ty CP Đầu tư Thương mại và dịch vụ Đông Kinh trong tháng 10/2022 và hoàn thành cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ các điểm vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà trong năm 2022.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Hải Phòng, việc xử lý vụ việc vẫn còn chậm, chưa đáp ứng theo đúng tiến độ. Do đó, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã có Văn bản đề xuất Thường trực Thành ủy xem xét đưa vụ việc nêu trên vào Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố để theo dõi, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, thực hiện các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, 3 trong tổng số 7 doanh nghiệp có đơn khởi kiện đến TAND TP Hải Phòng đề nghị hủy bỏ các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả của Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng. TAND TP Hải Phòng đã thụ lý, tổ chức xét xử, đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện, các doanh nghiệp này tiếp tục kháng cáo lên TAND cấp cao để thực hiện xét xử phúc thẩm.
Theo xác định của UBND TP Hải Phòng, việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính độc lập với thủ tục tố tụng hành chính. Bởi vậy, Thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế công trình vi phạm theo quy định.
Ngày 23/8/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Vườn Quốc gia Cát Bà. Sau đó 1 năm, Công an TP Hải Phòng đã ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và có Văn bản đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan yêu cầu các doanh nghiệp có công trình vi phạm tháo dỡ để khôi phục lại hiện trạng ban đầu của Vườn Quốc gia Cát Bà.