Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa thông tin: Kết quả năm 2019 có tổng số gần 1,8 triệu lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000 km là 0,09 lần/1.000 km, tăng trên 57% so với cùng kỳ năm 2018.
Các Sở GTVT đã thu hồi phù hiệu với thời hạn 1 tháng là gần 2.500 xe; thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 8 đơn vị; chấn chỉnh, nhắc nhở trên 52.000 xe.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước có tổng số gần 1,7 triệu lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000 km là 0,17 lần/1.000 km, tăng trên 57% so với cùng kỳ năm 2018. Các Sở GTVT đã thu hồi phù hiệu với thời hạn 1 tháng là trên 1.600 xe; chấn chỉnh, nhắc nhở trên 3.000 xe.
Có thể thấy những hậu quả nghiêm trọng này đều do nhận thức người tham gia giao thông chưa cao, chưa rõ quy định luật giao thông hoặc từ những động cơ đối phó cuộc sống như trễ giờ làm, giờ họp, đang gấp gáp, có việc quan trọng đột xuất... Từ tư duy đối phó, thực hiện hành vi chạy quá tốc độ nhiều lần sẽ trở thành thói quen khó sửa.
Theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ, hành vi chạy quá tốc độ từ 5-10 km/giờ đối với phương tiện ô tô bị phạt từ 600 đến 800 ngàn đồng và phạt tiền từ 7 đến 8 triệu đồng đối với hành vi chạy quá tốc độ trên 35 km/h. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị tước GPLX từ 1-4 tháng. Tuy nhiên, hình mức phạt này xem ra còn nhẹ bởi con số vi phạm chỉ có tăng chứ không giảm.
Nhiều năm qua, xe chạy vượt tốc độ ngày càng gia tăng và vẫn tiếp tục khiến xã hội đau đầu. Tuy nhiên, điều quan trọng là bản thân mỗi người tham gia giao thông cần tự nâng cao nhận thức rằng hành vi chạy quá tốc độ là rất nguy hiểm để có sự điều chỉnh trong quá trình tham gia giao thông và không vì bất kỳ lý do gì mà bất chấp nguyên tắc mang tính sống còn này.