Ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh (2 cựu Chủ tịch UBND Khánh Hòa) cùng 5 đồng phạm đã bị đề nghị đưa ra xét xử với cáo buộc sai phạm trong việc giao đất cho doanh nghiệp, gây thiệt hại cho ngân sách. Đây là vụ án kéo dài, chấn động dư luận tỉnh Khánh Hòa - một địa phương vốn đã “nổi tiếng” về những sai phạm liên quan đến đất đai của không ít cán bộ.
Trước khi kết thúc tháng 2 sang tháng 3/2022, Viện Kiểm sát nhân dân Khánh Hòa đã ban hành cáo trạng truy tố, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ông Nguyễn Chiến Thắng (67 tuổi), Lê Đức Vinh (57 tuổi)- cựu Chủ tịch UBND tỉnh ra xét xử tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo khoản 3 Điều 229 Bộ luật Hình sự. Theo đó, khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù.
Cùng đó, 3 nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường qua các thời kỳ là ông Đào Công Thiên (60 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh), Võ Tấn Thái (61 tuổi), Lê Mộng Điệp (67 tuổi); Lê Văn Dẽ (60 tuổi, cựu Giám đốc Sở Xây dựng), Trần Văn Hùng (cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở TNMT) cũng bị đề nghị đưa ra xét xử cùng tội danh.
Như vậy, có 7 “quan chức đầu tỉnh” Khánh Hòa sẽ phải đối diện với những tháng ngày trong trại giam, do cấu kết cùng nhau trục lợi trong những dự án về đất đai.
Cụ thể là 7 cựu lãnh đạo tỉnh này bị cáo buộc ký nhiều văn bản sai quy định trong việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất, phê duyệt giá đất liên quan đến dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung, cùng thuộc khu vực núi Chín Khúc ở Khánh Hòa.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Chiến Thắng khi còn đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2015 đã ký các văn bản chỉ đạo đầu tư, triển khai dự án. Việc giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án được xác định là trái quy định, vi phạm Luật Đất đai khi điều chỉnh đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thành đất thương mại dịch vụ.
Còn ông Đào Công Thiên lúc giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư, xác lập quyền sử dụng đất của Nhà nước không đúng quy định pháp luật, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Ông Lê Mộng Điệp khi còn đương chức đã ký các tờ trình tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định trái luật trong việc giao đất.
Ông Võ Tấn Thái ký văn bản tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh hai lần cho doanh nghiệp thực hiện dự án trên là sai quy định.
Ông Thái còn tham mưu sai cho UBND tỉnh trong việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất của dự án, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy hoạch. Đối với ông Trần Văn Hùng đã tham mưu trực tiếp, ký nháy nhiều tờ trình vi phạm pháp luật trong việc giao đất, điều chỉnh mục đích sử dụng đất tại dự án trên.
Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung xuất phát từ dự án trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái, được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép năm 2008. Năm 2015, ông Lê Đức Vinh giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định cho doanh nghiệp đổi tên thành Khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, được thực hiện tại tiểu khu rừng 573 núi Chín Khúc với diện tích 29ha.
3 năm sau, khi giữ chức Chủ tịch tỉnh, ông Vinh tiếp tục ký quyết định chủ trương đầu tư dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung có chức năng nhà ở, dịch vụ thương mại rộng hơn 19,6ha. Trong đó có 6,5ha đất ở và gần 3,9ha đất dịch vụ thương mại.
Ông Vinh bị cáo buộc ký các quyết định giao đất vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, đó là giao đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, giao đất trên thực địa trước khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính. Giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Riêng với Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015, bị cơ quan điều tra xác định giữ vai trò “chủ mưu”.
Cụ thể, ngày 9/7/2012, ông Thắng ký quyết định giao hơn 123ha đất cho dự án, trong đó có 1,74ha đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là loại đất không được quy hoạch theo nghị quyết của Chính phủ về việc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) của tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 30/6/2014, ông Thắng lại ký quyết định giao thêm hơn 390ha đất, nâng tổng diện tích đất giao cho dự án này lên 513,53ha, trong đó có 35.384m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không được quy hoạch theo nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Khánh Hòa.
Chưa hết, ngày 10/4/2015, ông Thắng ký quyết định điều chỉnh tăng diện tích đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của dự án này lên 52.368m2. Ngày 23/10/2015, ông lại ký quyết định điều chỉnh 52.368m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vừa nêu thành 44.868m2 đất thương mại dịch vụ và 7.500m2 đất ở tại nông thôn.
Còn với Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, trong Kết luận điều tra ngày 15/8/2012, thì ông Lê Đức Vinh - khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ký quyết định chuyển mục đích sử dụng 196.194m2 đất rừng sản xuất và khoanh nuôi sản xuất sang mục đích đất ở và đất có mục đích công cộng cho Công ty Khánh Hòa, hình thức sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất, đã vi phạm quy định pháp luật về quản lý đất đai. Ông Vinh sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021.
Trong đó đáng chú ý là cho tiến hành giao đất khi chưa xác định mức thu tiền sử dụng đất, giao đất trên thực địa ngày 22/8/2012 trước khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính vào ngày 18/2/2014. Tỉnh giao đất khi chủ đầu tư mua gom đất vượt hạn mức quy định; giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt; không tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về quy hoạch...
Trong 2 vụ án ở 2 dự án kể trên, cùng với trách nhiệm đứng đầu của 2 vị nguyên chủ tịch tỉnh, thì có vai trò đắc lực và trực tiếp của nhiều lãnh đạo cơ quan chức năng khi “tham mưu” theo cách bắt tay trục lợi.
Rồi đây họ phải trả lời trước tòa và phải chịu trách nhiệm với những gì họ đã gây ra khi mà núi Chín Khúc của thành phố Nha Trang đã bị băm nát.