Mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, nhiều giải pháp kích cầu được đưa ra nhằm phục hồi du lịch, nhưng khách quốc tế đến với nước ta vẫn chưa được như kỳ vọng. Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần phải tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút du khách quốc tế trong thời gian tới.
Chưa như kỳ vọng
SEA Games 31 với sự góp mặt của 11 đoàn thể thao khu vực Ðông Nam Á, đây là dịp Việt Nam đón lượng khách quốc tế trở lại lớn nhất sau hơn 2 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong dịp diễn ra SEA Games 31 có 31.448 lượt khách du lịch quốc tế đến tham quan và tham gia các sự kiện này.
Ðại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết công tác quảng bá, tuyên truyền hình ảnh Hà Nội đạt mục tiêu đề ra, để lại ấn tượng đẹp cho các đoàn đại biểu, vận động, phóng viên và du khách quốc tế. Sự kiện đã góp phần hút khách du lịch, các nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam và Hà Nội, đồng thời khẳng định thương hiệu điểm đến các sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực.
Trong đó, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm đến hàng đầu của khách quốc tế khi đặt chân tới Hà Nội.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khách quốc tế hồi phục rất chậm, mỗi ngày chỉ lác đác vài khách quốc tế đến tham quan di tích.
Trong quá trình diễn ra SEA Games 31, một số đoàn vận động viên các nước cũng có tới tham quan nhưng rất ít, tuy rằng dịp này Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tặng vé miễn phí cho các đoàn thể thao dự SEA Games 31 và xác định đó là hình thức quảng bá, xúc tiến tới bạn bè quốc tế.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tháng 3 vừa qua có 15.000 lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tháng 4 đạt 101.400 lượt, gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192.400 lượt người, tăng 184,7% so với năm 2021. Song con số này chưa nhiều so với kỳ vọng.
Dịp lễ (30-4 và 1-5) vừa qua nhiều địa phương trên cả nước đã đón rất đông du khách nhưng đa số là khách nội địa, khách ngoại rất ít. Ðà Nẵng đã đón 18 chuyến bay quốc tế từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, tổng số khách quốc tế khoảng 7,4 nghìn lượt khách. Hải Phòng đón 4,5 nghìn lượt khách quốc tế tập trung tại hai khu du lịch Ðồ Sơn và Cát Bà.
Tại hội thảo Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá, ngành hàng không phục hồi chưa được như mong muốn do hàng không quốc tế vẫn gặp nhiều khó khăn. Thị trường quốc tế chỉ đạt gần 7% so với cùng kỳ 2019 và cả năm, dự kiến sản lượng chỉ đạt khoảng 1/3 so với thời điểm trước dịch.
Mặc dù Việt Nam đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi như bỏ giấy xét nghiệm trước khi nhập cảnh, miễn cách ly,… nhưng một số thị trường chưa thực sự mở cửa, như Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “zero Covid”, Hàn Quốc, Nhật Bản từ 1/6 mới bỏ các biện pháp hạn chế nhập cảnh...
Trong khi đó, 60-65% doanh thu của các hãng hàng không, đặc biệt là Vietnam Airlines, đến từ các đường bay quốc tế.
Khơi thông rào cản
Ông Nguyễn Sơn Thủy- Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Ðông Dương cho biết, việc đón khách quốc tế không hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều nước hiện vẫn còn sử dụng những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt, cùng với đó là tâm lý e ngại, điều kiện kinh tế khủng hoảng sau dịch cũng làm giảm bớt nhu cầu đi lại.
Khách nước ngoài thường lên kế hoạch du lịch trước từ 6 tháng đến 1 năm nên đây chưa phải thời điểm vàng để đón dòng khách này. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều điều kiện để đón khách quốc tế nhưng còn hạn chế ở khâu giới thiệu, quảng bá chính sách mở cửa du lịch...
Ông Phạm Hà - CEO Lux Group chia sẻ với báo chí, từ thời điểm mở cửa 15/3, đơn vị này đã phải hủy 10 đoàn khách quốc tế do không lấy được visa. Ngoài 13 thị trường quốc tế được miễn visa, nhiều khách ở các thị trường khác vẫn khó khăn khi xin cấp visa.
Các chuyên gia du lịch nhận định, trước mắt du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã khôi phục kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các thị trường đã có chính sách nới lỏng hoặc mở lại hoàn toàn du lịch, cho phép công dân đi du lịch nước ngoài...
Theo ông Cao trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ðà Nẵng, xu hướng khách lẻ đi du lịch nhiều sau đại dịch thay vì đi theo các đoàn như trước. Ðây là lượng khách lớn trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên họ lại gặp khó khi làm thủ tục visa do liên quan tới quy định về bảo lãnh.
Khách quốc tế làm thủ tục visa điện tử phải chờ đợi lâu ngày không chủ động được thời gian khiến họ buộc phải hủy vé tới Việt Nam. Ðây chính là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam bớt hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp so với các quốc gia du lịch phát triển trong khu vực.
“Ta phải có chính sách phù hợp với xu hướng đó, làm sao để bắt được luồng khách lẻ này không để họ gặp khó khăn, e ngại và lựa chọn du lịch nước khác” - ông Dũng nói.