Vì sao giá gạo xuất khẩu lao dốc?

Thanh Xuân 13/09/2023 07:36

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, giá gạo xuất khẩu đã liên tục giảm mạnh, nhiều loại gạo xuất khẩu như 5% tấm đã giảm đến 20 USD/tấn, về mức 623 USD. Như vậy, giá gạo dường như đã kết thúc chu kỳ tăng nóng. Vậy diễn biến thời gian tới thế nào?

Gạo xuất khẩu giảm giá liên tục trong vòng 1 tuần qua.

Giá gạo xuất khẩu sụt giảm liên tiếp

Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, chỉ trong chưa đầy một tuần, giá gạo xuất khẩu giảm mạnh liên tiếp. Theo đó, hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm 20 USD/tấn so với ngày 5/9 về 623 USD; gạo 25% tấm cũng giảm 20 USD về mức 608 USD một tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu của nước ta đến thời điểm này đã ghi nhận 3 đợt giảm mạnh nhất kể từ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Trên thị trường thế giới, gạo 5% của Thái Lan cũng giảm 20 USD về 613 USD/tấn, 25% tấm sụt 17 USD về 558 USD một tấn so với hôm 5/9. Dù đã giảm nhiệt, giá gạo Việt Nam vẫn tiếp tục giữ ở mức cao nhất thế giới.

Cùng chung xu hướng, giá lúa gạo trong nước cũng hạ nhiệt đáng kể. Trong tuần từ ngày 31/8-7/9, giá gạo xát trắng loại 1 giảm 350 đồng/kg xuống cao nhất 14.700 đồng/kg. Gạo 25% tấm giảm 567 đồng/kg xuống cao nhất 14.100 đồng/kg. Trong khi đó, gạo 5% tấm cao nhất đạt 14.500 đồng/kg, giảm 550 đồng/kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, đóng cửa ngày 11/9, giá gạo thô kỳ hạn tháng 11 niêm yết trên Sở Chicago tiếp tục sụt giảm 1,68% xuống 310,91 USD/tấn. Điều này thể hiện xu hướng giảm của giá gạo trong thời gian tới. Nêu nguyên nhân của việc giá gạo giảm sâu, MXV cho hay, việc Philippines - quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam chính thức áp lệnh giá trần lên gạo nhập khẩu đã gây sức ép lớn lên giá gạo xuất khẩu của nước ta.

Cụ thể, ngày 31/8, nước này thiết lập mức trần giá gạo ở mức 41 peso (khoảng 0,72 USD/kg) đối với gạo xay xát thường và 45 peso (khoảng 0,79 USD/kg) với gạo xay xát tốt, tương đương 720-800 USD một tấn.

Ổn định thị trường

Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đánh giá, việc Philippines áp trần giá bán lẻ gạo trong nước nhằm bình ổn giá gạo, tránh tình trạng thao túng, đầu cơ tích trữ khi giá bán lẻ tăng ở mức báo động.

Philippines hiện là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, việc áp giá trần thấp hơn nhiều so với giá gạo thế giới, đồng nghĩa các quốc gia khó có thể xuất bán vào thị trường này do chênh lệch giá.

Theo vị này, giá gạo xuất khẩu giảm giúp doanh nghiệp (DN) dễ tiếp cận với các nhà nhập khẩu. Song điều đáng lo ngại là hiện giá lúa gạo tại thị trường nội địa vẫn quá cao khiến DN không dám mua vì nguy cơ thua lỗ.

Một số DN ngành lúa gạo cũng cho hay, sau khi Philippines áp giá trần gạo, nhiều nhà nhập khẩu ở quốc gia này đã xin hủy hợp đồng mua gạo. Bởi vậy, có thể DN nhập khẩu cũng sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ khi không được bán cao hơn với giá trần bị áp.

Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu 2,34 triệu tấn gạo sang Philippines, chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Chính bởi vậy, việc Philippines áp giá trần gạo ngay lập tức đã tác động đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đà giảm giá gạo sẽ sớm được kiềm chế và sẽ tăng trở lại trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu vẫn còn khá căng thẳng. Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu gạo diễn ra bình thường, giá lúa tại thị trường nội địa phải giảm về mức 7.000-7.200 đồng/kg.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định giá gạo tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và DN xuất khẩu gạo. Điều này khiến các DN xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.

Trước tình hình sản xuất và thị trường thương mại gạo thế giới trong thời gian tới dự báo chứa đựng nhiều biến động, VFA kiến nghị bổ sung quy định cụ thể cơ chế báo cáo và phân công một cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và hàng hóa lúa gạo tồn kho của thương nhân có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 107.

Cùng đó, VFA đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa thương nhân xuất khẩu gạo, đặc biệt giữa thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và thương nhân thuê kho theo Nghị định 107.

8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 20% so cùng kỳ và hoàn thành 89% kế hoạch năm. Mức xuất khẩu này đưa kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng lên gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34% về giá trị nhờ giá gạo tăng cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, lượng gạo xuất khẩu năm nay ước trên 7 triệu tấn (tương đương khoảng 14 triệu tấn lúa).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao giá gạo xuất khẩu lao dốc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO