Vì sao ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

Thái Nhung 30/03/2023 06:40

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến tham vấn chuyên gia nhằm rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Trồng rau sạch ở Lâm Đồng. Ảnh: Nhã My.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Nhà nước luôn ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nghị định 57/2018 của Chính phủ ưu tiên về thuế, tiếp cận thị trường; về giảm chi phí sản xuất kinh doanh cũng như điều kiện về đất đai, hoa màu… Nghị định này là một trong những văn bản thúc đẩy quá trình để công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và áp dụng khoa học công nghệ cao.

Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có khoảng 14.800 DN đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp - con số đó rất khiêm tốn nếu so với con số 800.000 DN trên cả nước; trong khi nông nghiệp đang là địa hạt nhiều tiềm năng.

Lý giải nguyên nhân, ông Thịnh cho rằng các cơ chế chính sách để có thể được vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng như được tiếp cận thuê đất đai với chi phí hợp lý là bài toán rất lớn, phức tạp cả về thủ tục cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Vì thế số DN được hưởng ưu đãi từ Nghị định 57 là không nhiều. Và, các DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh, nhưng thực tế nó mới chỉ là như những mô hình điểm, mô hình trình diễn chứ chưa phải là mô hình đại trà.

Đồng quan điểm, chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ nhận xét có sự vênh nhau giữa chính sách đất đai và chính sách đầu tư. Theo đó, cần có các tiêu chí đánh giá cụ thể để áp dụng việc giảm thuế đất, giảm thuế nhập khẩu máy móc công nghệ cao. Phải xây dựng các khu “hạt nhân”, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Ưu tiên quy hoạch các nông sản chủ lực xuất khẩu, quy hoạch đó gắn với giao thông, kho tàng, bến bãi, logistics ra sao thì DN mới đầu tư. Làm sao cho thị trường trong nước chấp nhận giá cả của sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao cũng là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc trước tiên cần phải làm là cụ thể hoá những điều kiện của các văn bản, cũng như các hướng dẫn trước đây để giúp cho DN đầu tư công nghệ cao và các DN phát triển các hoạt động nông nghiệp nông thôn có các hồ sơ thủ tục đơn giản nhất, các cơ chế giải quyết nhanh nhất để họ được hưởng các cơ chế ưu đãi, từ đó tạo ra các động lực có sức vươn lên của các DN và có tác dụng thực tế.

Công nghệ cũng là một bài toán phức tạp nhưng vẫn có thể giải quyết được bằng cách nhập khẩu từ các nước phát triển như Nhật, Hàn, Trung Quốc về để cải biến cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài việc ưu tiên cho DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì nhà nước cũng nên có những cơ chế chính sách cho những DN nghiên cứu phát triển và thi công các thiết bị công nghệ liên quan đến quá trình ứng dụng công nghệ cao.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cần có sự kết nối và hỗ trợ của các cộng đồng DN nói chung với các DN nông nghiệp công nghệ cao để từ đó có cơ sở tăng trưởng và phát triển; có thị trường tiêu thụ bởi sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thường có giá cao, do đó đòi hỏi phải có sự phối hợp để quảng bá tiêu thụ sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?