Du lịch

Vì sao khách đến, vì sao khách đi?

Ngọc Quang 26/02/2024 07:13

Nhiều tổ chức du lịch quốc tế đã khái quát lý do khiến Việt Nam được khách nước ngoài ưa chuộng. Tuy nhiên, điều rất đáng quan tâm là số khách du lịch quay trở lại thấp, thời gian lưu trú ngắn, mức độ chi tiêu hạn chế.

8-9-a3.jpg
Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: BÙI VĂN HẢI.

Nhiều tổ chức du lịch uy tín thế giới cho rằng Việt Nam thực sự là “viên ngọc ẩn" mà chỉ những ai đặt chân đến mới có thể cảm nhận được; với những địa danh được UNESCO vinh danh bởi vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt, như vịnh Hạ Long, hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm, Côn Đảo...

Việt Nam sở hữu những bãi biển xinh đẹp nổi tiếng thế giới, cùng với những khu resort sang trọng bên bờ cát mịn. Có những vịnh nhỏ được bao bọc bởi những cánh rừng mà du khách “bối rối” như lạc vào thế giới khác khi tự mình trải nghiệm. Việt Nam cũng hấp dẫn bởi được cho là điểm đến du lịch giá rẻ, những du khách quốc tế “nghèo” cũng có thể tận hưởng dầy đủ một chuyến đi thú vị. Giá cả các món ăn rẻ và đặc biệt sự đa dạng của các loại thức ăn đường phố đã khiến du khách vô cùng ấn tượng.

“Đi bộ qua những con phố ở các thành phố của Việt Nam, du khách có thể bắt gặp rất nhiều quán phở bình dân. Phở có thể là món ăn nổi tiếng nhất của Việt Nam nhưng bún chả là sự lựa chọn hàng đầu khi du khách đến Hà Nội. Chỉ cần nhìn thấy những đám khói mờ mịt sau 11 giờ trưa khi các quán ăn bắt đầu nướng thịt lợn được tẩm ướp gia vị thì bạn sẽ không thể cưỡng lại được” - nhận xét của Tạp chí du lịch Wanderlust (Vương quốc Anh).

Đáng chú ý, du khách nước ngoài rất ấn tượng với sự thân thiện và mến khách của người Việt Nam. Tại những nơi ghé thăm, du khách nước ngoài thường sẽ được chào đón bằng những nụ cười và luôn được giúp đỡ khi gặp khó khăn.

“Người Việt Nam luôn mỉm cười để chào đón du khách đến với đất nước của họ. Mặc dù bạn có thể bị lạc đường nhưng bạn sẽ không cần phải lo lắng gì hết, vì người dân sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn mọi lúc, mọi nơi” - nhận xét trên trang The Travel của Canada.

Còn tạp chí du lịch Condé Nast Traveler (CNTraveler) cho rằng, không chỉ được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng của vùng miền tại các khu chợ, khách du lịch còn có thể tìm hiểu thêm nhiều nét đẹp văn hóa thông qua cách mua bán của người dân địa phương...

Tuy nhiên, với những ưu thế vượt trội nhưng du lịch Việt Nam vẫn chưa bùng nổ như kỳ vọng. Vì sao? Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng nhưng số du khách quay lại các điểm du lịch rất thấp - theo Ban quản lý Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) công bố kết quả khảo sát khách du lịch tại 5 điểm chính là Sapa, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An.

Nếu điều đó là đúng thì việc thu hút du khách quốc tế còn rất nặng nề. Việc du khách quốc tế “một đi không trở lại” là điều cần phải suy nghĩ. Một trong những nguyên nhân quan trọng, theo giới chuyên gia, xuất phát từ chỗ thiếu quan tâm đến suy nghĩ của du khách. Họ muốn gì và đáp ứng thế nào? Nếu không chú ý tới điều đó thì du lịch sẽ thiếu hấp dẫn và cũng thiếu bền vững.

Cho tới nay, internet đã trở thành nguồn thông tin du lịch quan trọng. Có 60% du khách quốc tế và 45% khách du lịch nội địa sử dụng internet để tìm hiểu thông tin để đưa ra các quyết định cho chuyến du lịch. Tiếp theo là hình thức truyền miệng, được 33,7% du khách quốc tế và 32,3% khách nội địa tham khảo. Chỉ có hơn 25% khách du lịch quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch qua đơn vị lữ hành. Trong khi đó, khoảng 27,4% du khách nội địa lại tìm kiếm thông tin du lịch qua tivi.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, cần giải quyết dứt điểm nạn móc túi, cướp giật, “chặt chém” tại các điểm du lịch vì điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý du khách, đặc biệt là đối với quyết định quay lại của họ trong những lần sau.

Về sử dụng dịch vụ, theo dự án EU, 22,8% khách du lịch quốc tế và 31,3% du khách nội địa ưa thích lưu trú tại khách sạn 3 sao. Hình thức lưu trú được ưa chuộng tiếp theo là nhà dân (22,2%) và khách sạn 4 sao (13,9%). Chỉ có 12,4% khách du lịch quốc tế và 6,1% khách du lịch nội địa lưu trú tại khách sạn cao cấp hoặc khu nghỉ dưỡng 5 sao. Điều này cho thấy phân khúc thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu ở hạng trung, có nghĩa là lợi nhuận không cao.

Cũng chính vì thế, có ý kiến cho rằng hiện Việt Nam vẫn chỉ là địa chỉ khám phá chứ không phải là điểm đến nghỉ dưỡng, tiêu xài của du khách quốc tế. Hàng năm, du lịch Việt Nam đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để quảng bá, tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiệu quả lại chưa được như mong đợi.

Nếu thực sự cầu thị và muốn phát triển, thì rất cần phải lắng nghe và quan tâm hơn đến những phản hồi từ du khách. Những lời khen tặng rất quý, nhưng những ý kiến “nghịch nhĩ” nếu được lắng nghe thì sẽ rất có ích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao khách đến, vì sao khách đi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO