Vì sao Kyoto thoát thảm họa bom nguyên tử?

Linh Chi 11/08/2015 03:45

Đầu tháng 6/1945, Bộ trưởng Chiến tranh Hoa Kỳ Henry Stimson đã yêu cầu loại bỏ Kyoto ra khỏi danh sách ném bom nguyên tử khi tranh luận rằng đây là một thành phố văn hóa có tầm quan trọng vì vậy không nên chọn làm một mục tiêu quân sự.

Vì sao Kyoto thoát thảm họa bom nguyên tử?

Bản đồ Kyoto mà Ủy ban Mục tiêu từng tham khảo để ném bom nguyên tử.

Chỉ vài tuần trước khi Mỹ thả thứ vũ khí nguy hiểm bậc nhất mà nhân loại từng chứng kiến, Nagasaki thậm chí còn không có trong danh sách các thành phố bị lựa chọn làm mục tiêu để thả bom nguyên tử. Thay vào đó, mục tiêu trước đó được xác định là cố đô của Nhật Bản - Kyoto.

Nagasaki không phải mục tiêu ban đầu

Danh sách các thành phố có thể trở thành mục tiêu ném bom nguyên tử được quyết định bởi một Ủy ban gồm các tướng lĩnh quân đội, quan chức và giới khoa học quân sự Mỹ - gọi là Ủy ban Mục tiêu. Kyoto, thành phố là nhà ở của trên 2.000 Phật tử, đền Shinto, cùng 17 di sản thế giới được công nhận, từng là mục tiêu đầu tiên trong danh sách này.

“Mục tiêu này là một khu vực công nghiệp thành thị với dân số 1.000.000 người” - các biên bản từ một cuộc họp từng nêu rõ.

“Kyoto được xem là một mục tiêu lý tưởng đối với quân đội Mỹ bởi nó chưa từng bị đánh bom, vì vậy mà nhiều ngành công nghiệp cũng như một số nhà máy lớn vẫn duy trì hoạt động ở đó” - Alex Wellerstein, nhà sử học thuộc Viện Công nghệ Stevens, nhận định.

Ông Wellerstein thêm rằng, các nhà khoa học quân sự thuộc Ủy ban Mục tiêu cũng muốn chọn Kyoto làm mục tiêu bởi đây là thành phố có nhiều trường đại học và họ cho rằng người dân ở đó cần phải hiểu rằng trái bom nguyên tử này không chỉ là một vũ khí thông thường - mà nó là một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại.

Nhưng đến đầu tháng 6/1945, Bộ trưởng Chiến tranh Hoa Kỳ Henry Stimson đã yêu cầu loại bỏ Kyoto ra khỏi danh sách mục tiêu khi tranh luận rằng đây là một thành phố văn hóa có tầm quan trọng vì vậy không nên chọn làm một mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, quân đội Mỹ không muốn loại Kyoto khỏi danh sách này nên vẫn giữ nó ở phần sau của danh sách cho mãi đến cuối tháng 7 năm đó.

Sự việc khiến Stimson phải đích thân đến gặp Tổng thống Harry S. Trueman để thảo luận. Sau một cuộc thảo luận với Trueman, ông Stimson đã từng viết lại trong nhật ký của mình hôm 24/7/1945 rằng “ông ấy đặc biệt nhất trí với đề xuất của tôi rằng nếu như sự hủy diệt không được hoàn thành, nỗi thống khổ gây ra bởi một hành động trái đạo đức như vậy có thể khiến người Nhật giảng hòa được với chúng ta, mà thay vào đó là người Nga”.

Đó chính lúc mà Nagasaki được thêm vào danh sách mục tiêu thay vì Kyoto. Dù cho Hiroshima và Nagasaki đều không phải là các mục tiêu quân sự, nhưng thảm họa hạt nhân mà thế giới từng chứng kiến đã cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng thường dân, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Quyết định cá nhân

Theo Giáo sư Wellerstein, đây là một quyết định mang tính cá nhân của Stimson. Trước đây, Stimson từng đến thăm Kyoto vài lần trong khoảng những năm 1920 khi ông còn giữ chức Thống đốc Philippines. Một số sử gia còn nói rằng thành phố này từng là nơi Stimson lựa chọn để tổ chức tuần trăng mật sau đám cưới và ông cũng là người say mê văn hóa Nhật.

Ngoài ra, một số sử gia cũng tin rằng một nhà khảo cổ và sử học nghệ thuật người Mỹ Langdon Warner đã khuyên chính quyền không nên đánh bom các thành phố có nhiều di sản văn hóa lịch sử, trong đó có Kyoto. Đó có thể là lý do mà đến nay, vẫn còn một số đài tưởng niệm ông Warner ở Kyoto và Kamakura. Trong cuốn sách mang tên “Thả bom nguyên tử xuống Kyoto” xuất bản hồi năm 1995, nhà sử học Nhật Bản Morio Yoshida còn nói rằng ông Warner từng được vinh danh là anh hùng cứu rỗi các di sản văn hóa của Nhật Bản.

Một mục tiêu thay thế

Ngày nay, Tổng thống Trueman phần được tôn vinh, phần bị chỉ trích vì quyết định thả bom nguyên tử xuống 2 thành phố của Nhật Bản. Trên thực tế, các sử gia nói rằng ông Trueman đã bắt đầu đưa ra chỉ thị sử dụng loại vũ khí hủy diệt này chỉ sau ngày 3/8/1945 và ông không hoàn toàn dính líu đến việc đưa ra các quyết định chi tiết.

Giáo sư Wellerstein cho biết có một số tài liệu cho thấy rằng Tổng thống Trueman đã rất bất ngờ về sự hủy diệt của quả bom nguyên tử đầu tiên thả xuống Hiroshima, đặc biệt khi hay tin rất nhiều phụ nữ và trẻ em thiệt mạng. Thế nhưng, 3 ngày sau đó, một trái bom nguyên tử còn mạnh hơn trái bom trước tiếp tục được thả xuống Nagasaki.

Quyết định thả bom được cho là do Giám đốc dự án bom nguyên tử của Mỹ, Tướng Leslie Groves, người đứng đầu Ủy ban Mục tiêu và từng đấu tranh để giữ Kyoto trong danh sách mục tiêu ném bom. Trong một bức thư gửi đi ngày 19/7/1945, Groves từng nói rằng ông muốn ném ít nhất 2, và nhiều nhất là 4 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

Sau tất cả những sự kiện lịch sử đã diễn ra cách đây 70 năm, thay vì những đền đài di sản văn hóa ở Kyoto, người dân Nagasaki trở thành nạn nhân của thảm họa nguyên tử. Thành phố này thậm chí còn chưa từng nằm trong danh sách mục tiêu đánh bom, đã được lựa chọn chỉ bởi thời tiết ở mục tiêu thứ hai - thành phố Kokura - đã cản trở các phi công Mỹ thả bom xuống đó ngày 9/8/1945.

Xét theo khía cạnh nào đó thì chính Henry Stimson đã cứu rỗi Kyoto khỏi một trái bom nguyên tử. Nhưng dù vậy thì một quả bom thứ ba lúc bấy giờ vẫn treo lơ lửng trên nước Nhật chỉ chờ ngày thả vào 19/8 cùng năm nếu như nước này không chịu đầu hàng từ 4 ngày trước đó. Mục tiêu thứ ba theo dự tính được cho là Tokyo - nơi có cung điện của Nhật hoàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Kyoto thoát thảm họa bom nguyên tử?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO