Các lực lượng cứu hộ đang gặp rất nhiều thách thức trong việc tìm kiếm chiếc tàu ngầm Titan sau khi con tàu bị mất liên lạc khi đang lặn xuống khu vực xác tàu Titanic hôm 18/6.
Lực lượng cứu hộ đang gặp phải nhiều vấn đề khi tìm kiếm tàu ngầm Titan tại vùng biển có diện tích tương đương với bang Connecticut của Mỹ, không biết liệu con tàu này đã nổi lên mặt nước hay vẫn bị chìm ở độ sâu hàng nghìn m dưới đáy Đại Tây Dương.
Theo công ty OceanGate, đơn vị vận hành tàu Titan, phương tiện này sẽ cạn oxy dự trữ vào ngày 22/6. Dưới đây là những thách thức mà các lực lượng cứu hộ phải đối mặt khi tìm kiếm con tàu này ở Bắc Đại Tây Dương.
Môi trường khắc nghiệt
Các chuyên gia nhận định nếu Titan đã chìm xuống đáy đại dương, con tàu này sẽ không thể được giải cứu. Xác tàu Titanic nằm ở độ sâu khoảng 3.800 m dưới mặt biển. Chiếc tàu ngầm mất liên lạc ở giữa hành trình lặn xuống xác con tàu chở khách nổi tiếng.
"Mọi thứ đều tối đen với nhiệt độ rất thấp khi bạn lặn xuống sâu. Lòng biển nhiều bùn và có địa hình gồ ghề. Bạn không thể nhìn thấy tay ngay cả khi giơ nó lên trước mặt", Tim Maltin, chuyên gia về vụ chìm tàu Titanic và các tai nạn hàng hải, trả lời Reuters.
Theo nguyên chuẩn đô đốc hải quân Anh Chris Parry, việc lực lượng cứu hộ không thu được tín hiệu cấp cứu của con tàu khiến quá trình tìm kiếm trở nên khó khăn hơn.
"Điều này có nghĩa các thiết bị thu tín hiệu khẩn cấp - giống với công cụ được sử dụng để định vị hộp đen trên máy bay - không thể được sử dụng trong quá trình giải cứu", ông Parry trả lời Sky News.
"Khu vực xác tàu Titanic là một vùng biển lớn. Nếu bắt đầu tìm kiếm từ một đầu của tàu chở khách này, các phương tiện cứu hộ sẽ phải thực hiện nhiều lần lặn để bao quát hết khu vực trên", ông bổ sung.
Ngoài địa hình phức tạp, vị cựu chỉ huy hải quân Anh cũng đề cập đến các yếu tố như áp lực nước và dòng chảy có thể tạo ra tác động lớn cho quá trình tìm kiếm.
"Khi lặn sâu xuống nước, các dòng hải lưu sẽ là mối quan tâm lớn nhất của bạn. Dòng hải lưu ở độ sâu lớn có thể khiến tàu Titan bị lật. Ở bên ngoài vỏ tàu là áp lực lên tới hơn 2.000 kg/inch. Việc lặn xuống độ sâu này có cùng mức độ nguy hiểm so với phóng tàu ra ngoài vũ trụ", ông Parry cho hay.
Quá trình trục vớt đầy thách thức
Nếu tàu Titan đã chìm xuống đáy biển, các chuyên gia nhận định tình huống sử dụng một tàu ngầm khác để thực hiện quá trình giải cứu là không khả thi.
Chỉ một số ít các tàu ngầm trên thế giới có khả năng hạ xuống độ sâu của xác tàu Titanic. Ngay cả khi đạt đến độ sâu trên, các tàu ngầm cũng không có đủ sức mạnh động cơ để kéo theo một tàu khác nổi lên mặt nước.
Nếu con tàu ở dưới lòng biển, có quá nhiều biến số có thể ảnh hưởng đến quá trình giải cứu. "Chúng ta có hiểu biết rõ ràng hơn về bề mặt của Mặt Trăng hơn là đáy đại dương. Chúng ta chưa từng khảo sát kỹ các khu vực này", Jamie Pringle, một chuyên gia địa chất pháp y tại Đại học Keele của Anh đánh giá.
Nguyên chuẩn đô đốc Parry cho biết quá trình trục vớt tàu cũng sẽ gặp khó khăn do khu vực xung quanh xác tàu Titanic có nhiều mảnh vỡ, gây cản trở quá trình tìm kiếm và giải cứu con tàu.
Nhận định với Sky News, Frank Owen, cựu sĩ quan hải quân Australia và chuyên gia về các tình huống thoát khỏi tàu ngầm, nghĩ rằng Titan có thể đã vướng phải một vật thể nào đó ở đáy biển, khiến con tàu không thể nổi lên mặt nước.
Điều này có nghĩa bất kỳ con tàu nào được cử xuống đáy đại dương cũng phải có khả năng cắt hoặc loại bỏ vật cản đối với Titan. Các chuyên gia nhận định hành khách trên Titan không thể mở được cửa từ bên trong con tàu.
Trường hợp tìm thấy tàu trên mặt biển
Nếu con tàu đang trôi dạt trên mặt biển, quá trình tìm kiếm phương tiện này sẽ giống như "mò kim trong đáy bể". Con tàu có kích thước bằng một chiếc xe tải nhỏ rất khó bị phát hiện do chìm một phần dưới mặt nước.
Do địa điểm nơi tàu Titan mất tích cách bờ biển hàng trăm km, việc triển khai thiết bị và phương tiện tìm kiếm đến khu vực này mất nhiều thời gian.
Mặc dù vậy, ông Parry tin rằng kịch bản này khó có thể xảy ra sau quá trình tìm kiếm kéo dài nhiều ngày. "Các lực lượng cứu hộ đáng nhẽ đã phải tìm thấy Titan nếu con tàu nổi lên mặt nước", vị cựu đô đốc nhận định.