Những con tàu từng được xem là gia tài của ngư dân nhưng lần lượt được rao bán với giá rẻ. Một số người không bán được đành ngậm ngùi thuê người “xẻ thịt” con tàu chỉ để bán phế liệu mong vớt vát lại chút vốn.
Những năm gần đây, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có đội tàu cá khá hùng hậu. Cũng nhờ nghề biển mà người dân sắm được xe hơi, nhà lầu, cuộc sống sung túc hơn. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19 đến nay, làng chài Phước Tỉnh rơi vào cảnh thê thảm chưa từng có. Nguồn lợi thủy sản từ việc đánh bắt ngày càng sụt giảm, trong khi đó, giá xăng dầu tăng cao, thiếu nhân lực nghề biển khiến hàng loạt tàu cá nằm bờ, 2-3 năm nay chưa một chuyến ra khơi. Một số tàu ra khơi được thì cũng rơi vào cảnh thua lỗ.
Với việc không ra khơi, những chiếc tàu cá ngày càng xuống cấp theo thời gian. Nhiều tàu cá được đóng với giá hàng tỷ đồng nay được ngư dân rao bán với giá rất rẻ, có khi chỉ bằng 1/10 giá trị ban đầu. Tình cảnh người mua thì ít, người bán thì nhiều cũng khiến nhiều chủ tàu đau đầu. Người nào may mắn thì bán được, người không bán được thì đành phải thuê nhân công để “xẻ thịt” tàu cá bán phế liệu, mong vớt vát lại ít tiền vốn.
Ngư dân Trà Văn Cưng (trú xã Phước Tỉnh) là chủ của 2 tàu đánh bắt xa bờ cho biết, từ năm 2020 đến nay, chi phí cho mỗi chuyến đi biển đội lên khá cao do giá xăng dầu tăng, nhân công thì không có, trong khi sản lượng đánh bắt sụt giảm do ngư trường cạn kiệt. Sau những chuyến biển liên tiếp thua lỗ, ông Cưng quyết định bán 2 chiếc tàu này và tính chuyển sang công việc khác. “Giá của cặp tàu khi mới đóng là khoảng 5 tỷ đồng, tôi rao bán vài tháng nay chỉ với giá 500 triệu đồng nhưng cũng không ai hỏi. Tàu nằm bờ càng lâu càng hư hỏng, càng mất giá trị. Chỉ mong sớm bán được cặp tàu này để có tiền đầu tư cho việc kinh doanh khác của gia đình” - ông Cưng nói và cho biết, hàng trăm ngư dân địa phương cũng đang chung tình cảnh như mình. Nhiều ngư dân sợ tàu để lâu mất giá nên thuê người về rã tàu để bán.
Những ngày cuối tháng 8, có mặt tại ấp Phước Thái, xã Phước Tỉnh, phóng viên ghi nhận khu vực này khá nhộn nhịp như một đại công trường với tiếng máy cắt, búa đập. Theo nhiều ngư dân, đã từ lâu, nơi này không còn đóng mới tàu cá nào mà thay vào đó trở thành địa điểm rã tàu lấy phế liệu.
Ông Nguyễn Trúc (quê Phú Yên) cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây gần như không còn việc đóng mới tàu cá, do nhiều đội tàu đánh bắt xa bờ hoạt động không hiệu quả như trước. Chi phí cho mỗi chuyến biển khá cao, ngư trường bị hạn chế, làm ăn không có lãi nên nhiều ngư dân không còn mặn mà với nghề biển. “Nhóm của tôi 8 người vừa mới được thuê để rã cặp tàu giã cào với giá 100 triệu đồng, mỗi chiếc tàu sẽ được tháo hết trong vòng 25-30 ngày. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã được thuê tháo rã hơn chục con tàu. Khi thực hiện xong việc tháo rã một con tàu cũ, mỗi người chúng tôi nhận được từ 8-10 triệu đồng” - ông Trúc nói.
Còn ông Châu Văn Sáu (trú xã Phước Tỉnh) - người chuyên thu mua tàu giã cào về phá dỡ bán phế liệu cho biết, từ đầu năm đến nay đã mua 9 chiếc tàu giã cào với tổng trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng. Đây là những chiếc tàu đánh bắt theo hình thức giã cào đôi, thuộc dạng hạn chế, giảm dần theo quy hoạch của tỉnh để bảo vệ nguồn lợi thủy sản phục hồi trở lại. “Chủ yếu tôi mua về và bán lại để kiếm chút lãi, nhưng từ đầu năm đến nay cũng chẳng có ai hỏi mua. Tôi đành thuê người rã xác tàu trước, 2 chiếc tàu ở ụ tàu Tân Bền với chi phí là 100 triệu đồng, 7 chiếc tàu còn lại đang đậu ở cảng Phước Tỉnh. Thời gian gần đây, rất nhiều người gọi điện bán tàu giã cào nhưng hiện giờ vốn liếng cũng đã cạn nên quyết định chưa mua thêm, ước tính có khoảng vài chục cặp tàu đang đợi người mua” - ông Sáu nói.
Ông Phan Thạch - Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh cho biết, việc ngư dân rã tàu bán phế liệu là không ai muốn. Ngư trường khai thác bị hạn chế, nguồn lợi hải sản cũng cạn kiệt. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao, trong khi nhiều tàu cá cũng không kiếm được nguồn nhân lực để đi biển. Cứ chuyến nào ra khơi cũng thua lỗ khiến người dân đành chấp nhận bán tàu.
Theo ông Thạch, việc này chưa ảnh hưởng lớn đến tình hình khai thác, đánh bắt thủy sản tại địa phương nhưng cũng tạo ra tâm lý uể oải trong ngư dân. Vì vậy, chính quyền địa phương thường xuyên cử cán bộ thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, động viên, chia sẻ với ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền, địa phương hiện có gần 2.300 tàu cá, trong đó, tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m là khoảng hơn 1.200 chiếc; tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng là khoảng hơn 260 chiếc; tàu có chiều dài dưới 12m hoạt động ven bờ gần 800 chiếc. Thời gian qua, việc đóng mới tàu cá không còn “nhộn nhịp” như nhiều năm trước, do gặp nhiều khó khăn nên nhiều ngư dân bán tàu cá với giá rẻ, một số ngư dân không bán được đã cho phá dỡ tàu để bán phế liệu. Huyện Long Điền cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương vùng biển bám sát tình hình, kịp thời báo cáo để có những giải pháp hỗ trợ, động viên ngư dân vượt qua khó khăn tiếp tục vươn khơi bám biển.