Vụ tấn công ngay giữa lòng Thủ đô Paris của nước Pháp chỉ là một trong số các vụ tấn công mà nước này phải hứng chịu chỉ trong vòng vài năm trở lại đây. Mọi quốc gia phương Tây đều thừa hiểu rằng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan luôn muốn tấn công họ, nhưng tại sao Paris lại hay bị chọn làm mục tiêu tấn công?
Các binh sĩ Pháp tuần tra trên đường phố Paris. (Ảnh: TTXVN).
Điều dễ thấy nhất chính là Pháp luôn là nước rất tích cực trong việc tham gia các chiến dịch chống lại chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới. Ngoài ra, họ cũng là nước có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu- tuy nhiên đó lại là một cộng đồng đầy chia rẽ. Ở Pháp cũng tồn tại một đường dây buôn bán súng đạn từ các khu vực biên giới trên khắp lục địa.
Nhiều nhà phân tích còn cho rằng, Pháp như một “thùng thuốc nổ”- như những gì đã thấy sau vụ tấn công tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo hồi tháng Một vừa qua, và giờ là vụ tấn công liên hoàn đẫm máu.
“Điều này là vì Syria” -một trong số những kẻ tấn công trong sự kiện hôm 13-11 nói. Nhưng kẻ này hoàn toàn có thể lấy ra một cái tên khác, như Mali, Libya hay Iraq… Tính đến nay có hơn 10.000 binh sỹ Pháp đã được triển khai ra nước ngoài - trong đó có 3.000 binh sỹ ở Tây Phi, 2.000 ở Trung Phi và 3.200 ở Iraq.
Mới chỉ tuần trước, Tổng thống Francois Hollande còn tuyên bố rằng Pháp sẽ triển khai thêm một tàu sân bay đến Vịnh Ba Tư để chiến đấu chống lại phiến quân IS ở Iraq, khiến cho nước Pháp càng trở nên thù địch trong mắt các thủ lĩnh của các nhóm khủng bố.
Và một mối quan ngại khác của giới chức Pháp là việc vũ khí dễ dàng buôn lậu vào nước này. Bỉ vốn lâu nay phải khó khăn đối phó vũ khí lậu và người ta tin rằng thủ phạm tấn công tòa soạn Charlie Hebdo có được vũ khí từ nước này. Khu vực bán đảo Balkan cũng là nguồn cung vũ khí lớn, cuộc chiến Balkan đã để lại khu vực này đủ loại vũ khí với giá rẻ và không có nguồn gốc.