Vì sao Tổng thống Philippines xua đuổi đặc nhiệm Mỹ?

Khánh Duy 13/09/2016 19:05

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte một lần nữa lại đưa ra phát ngôn có thể khiến Mỹ tức giận khi nói rằng binh sỹ nước này “phải đi khỏi” miền Nam đất nước họ.

Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines liên tiếp gặp sóng gió
kể từ khi ông Duterte nhậm chức hồi tháng 6 vừa qua. (Nguồn: ABS).

Ông cũng cáo buộc binh sỹ Mỹ làm gia tăng căng thẳng với cộng đồng Hồi giáo địa phương, nói rằng họ sẽ “không bao giờ có hòa bình” nếu còn sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Hãng tin AP hôm 13/9 dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng ông phản đối việc binh sỹ Mỹ đồn trú ở khu vực Mindanao miền Nam nước này, nhắc tới việc binh sỹ Mỹ từng tham gia vào một kế hoạch chống lại người Hồi giáo ở Philippines trong quá khứ. Ông Duterte cho rằng điều này đã gây nên sự oán hận kéo dài của người Hồi giáo đối với cộng đồng người Công giáo ở miền Nam.

“Một khi chúng ta còn chung tay với Mỹ, chúng ta sẽ không bao giờ có hòa bình trên mảnh đất đó” - ông Duterte tuyên bố.

Tổng thống Philippines thậm chí còn đưa ra một số bức ảnh đen trắng được chụp từ những năm 1900 cho thấy phụ nữ và trẻ em bị binh sỹ Mỹ giết hại.

“Các lực lượng đặc nhiệm, họ cần phải rời khỏi đây” - ông Duterte nói, thêm rằng ông đang định hướng lại chính sách ngoại giao của Philippines - “Tôi không muốn có rạn nứt với nước Mỹ, nhưng họ cần phải ra đi”.

Ông Duterte còn cảnh báo rằng binh sỹ Mỹ sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nếu họ vẫn quyết định không rời khỏi đây theo lời khuyên của ông. Nhưng dù đã tuyên bố về ý định xua đuổi đồng minh của mình, nhưng Tổng thống Philippines vẫn không nêu chi tiết về cách thức đạt được điều đó hoặc một khung thời gian để thực hiện.

Ngoài ra, Washington cũng chưa hề nhận được yêu cầu chính thức nào từ phía chính phủ Philippines về việc binh sỹ của họ phải rời khỏi nước này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói trong một cuộc họp báo mới đây. Vị quan chức này nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn duy trì cam kết đối với khối đồng minh với Manila và “chưa hề hay biết về bất cứ mối liên lạc chính nào nào từ phía chính phủ Philippines về việc này”.

Nhận định về sự việc này, Joseph Chang, nhà phân tích chính trị thuộc Đại học Hong Kong, cho hay ông tin rằng Tổng thống Duterte đang tìm lợi dụng một bộ phận xã hội Philippines vốn mong muốn quân đội Mỹ rời khỏi đất nước này.

“Dường như ông ấy đang cố gắng lấy danh tiếng và nhận được thêm sự ủng hộ từ cộng đồng này, mặt khác lại không muốn dựa quá nhiều vào nước Mỹ trong vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia, một quan điểm đối lập với người tiền nhiệm của ông” - ông Chang nhận định.

Chuyên gia phân tích trên còn thêm rằng, việc gây nên hàng loạt các tranh cãi với phía Mỹ có thể là một bước đi có tính toán của ông Duterte nhằm đưa ra một lời cảnh báo về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Manila và Bắc Kinh.

“Có thể ông ấy muốn khởi động các vòng đàm phán với Bắc Kinh về tranh chấp chủ quyền, với dự định cải thiện hợp tác kinh tế song phương, cũng lúc tìm kiếm viện trợ kinh tế từ nước này” - ông Chang nói.

Được biết, binh sỹ Mỹ bắt đầu đồn trú ở Mindanao từ năm 2002 với mục đích huấn luyện và cố vấn lực lượng chính quyền ở địa phương chống lại tổ chức phiến quân Abu Sayyaf - có mối liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Trong khi phần lớn quân số Mỹ đã rút về nước trong năm 2015, giới chức nước này cho hay một số lượng nhất định vẫn duy trì tại đây với vai trò cố vấn.

Kể từ khi chính thức nhậm chức vào hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Duterte đã có một mối quan hệ sóng gió với Washington. Ông đặc biệt cảm thấy khó chịu về cái mà ông cho là bị dạy dỗ bởi Mỹ về vấn đề nhân quyền, vấn đề nảy sinh sau khi ông thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm ma túy mạnh tay ở trong nước.

Lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) cho hay họ đã tiêu diệt được 1.466 nghi phạm ma túy, trong khi 1.490 người khác bị giết bởi các nhóm khác nhau.

“Số lượng các chiến dịch mà cảnh sát thực hiện kể từ khi bắt đầu đã lên tới 17.389, kết quả là tiêu diệt 1.466 nghi phạm ma túy, bắt giữ được 16.025 nghi phạm” - người phát ngôn PNP, ông Dionardo Carlos, thông báo hôm Chủ nhật tuần trước.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải hủy một cuộc họp với ông Duterte bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc sau khi lãnh đạo Philippines có lời lẽ xúc phạm ông. Tuy nhiên, ông Duterte sau đó đã nhanh chóng tỏ ra hối hận về phát ngôn này để cứu vãn tình hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Tổng thống Philippines xua đuổi đặc nhiệm Mỹ?