Những năm qua, triều cường tấn công dọc bờ biển Cửa Đại (Quảng Nam) gây nhiều tổn thất. Mùa mưa bão năm nay, những lo lắng lại tăng lên, cho dù trước đó địa phương đã có nhiều nỗ lực hạn chế thiệt hại. Quảng Nam đã có báo cáo gửi Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề xuất xử lý khẩn cấp 1,3 km bờ biển Cửa Đại với hình thức làm đê chắn để phá sóng và tạo bãi biển. Vì thế, hy vọng bình yên cho Cửa Đại đã được nhen lên.
Mùa mưa bão lại về, biển Cửa Đại (Quảng Nam) lại đứng trước nỗi lo sạt lở. Những năm qua, mỗi khi vào mùa mưa bão bờ biển Cửa Đại lại bị sạt lở do triều cường tấn công. Nhiều đoạn bờ kè chống biển xâm thực bị sập đổ. Không ít khách sạn, nhà hàng dọc bờ biển đã và đang có nguy cơ bị sóng biển đánh sập.
Những giải pháp chưa bền vững
Ông Nguyễn Lạy (50 tuổi), bảo vệ khách sạn FuSion Aliaa cho biết: “Gần 10 năm qua tôi ở đây và đã chứng kiến bờ biển bị sóng đánh liên tục. Cứ mỗi mùa mưa bão bờ biển Cửa Đại lại bị sóng đánh tan tành, sạt lở rất nặng. Riêng khách sạn FuSion Aliaa đã bị sóng đánh sập ngôi biệt thự và gần 1km bờ kè”.
Trao đổi với chúng tôi ngay tại bãi biển, ông Hồ Dị, làm nghề buôn bán nhỏ cho biết, hơn 1 năm qua cả chục hộ buôn bán ở đây nghỉ vì không còn bãi biển để bán.
Trước tình hình bở biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng, thành phố Hội An đã có báo cáo lên tỉnh, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, khảo sát và đã có báo cáo gửi Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề xuất xử lý khẩn cấp 1,3 km bờ biển Cửa Đại với hình thức làm đê chắn sóng và tạo bãi biển với kinh phí khoảng 55 tỉ đồng.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Trung ương tiếp tục bố trí nguồn vốn đề thực hiện kè bờ biển đối với 7,6 km còn lại và Thủ tướng đã đồng ý chủ trương sẽ hỗ trợ 40 tỉ đồng từ nguồn chi dự phòng ngân sách để tỉnh Quảng Nam chống sạt lở bờ biển Cửa Đại...
Triều cường tấn công bờ biển Cửa Đại.
Nhiều công trình bảo vệ ven biển Hội An đã được triển khai như các công trình do doanh nghiệp, chính quyền đầu tư 700m kè mái bê tông cốt thép, kè, đê mềm, mỏ hàn cừ thép; các kè bảo vệ khu du lịch tư nhân,… tuy nhiên những giải pháp này chưa mang tính bền vững. Các kè bờ cứng một số đoạn bảo vệ được bờ nhưng làm mất bãi, gây xói lở tại đoạn bờ bên cạnh, làm mất cảnh quan biển. Các kè bị sóng phá gây xói chân, bị đánh sập. Các công trình không theo quy hoạch chung, thực hiện không đồng bộ làm mất cân bằng bãi biển, xói lở ở các vùng lân cận…
Mới đây nhất, vào chiều 25/8, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc bàn giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại, TP Hội An.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, những năm gần đây tình trạng xói lở, bồi tụ biển Cửa Đại diễn ra nghiêm trọng. Trước năm 2000 chủ yếu thiên về bồi, sau năm 2000 chủ yếu thiên về lở. Hiện tượng xói lở lan dần từ Nam lên Bắc, phạm vi ảnh hưởng khoảng 0,5km. Gần đây, khu vực xói lở mạnh nhất diễn ra tại khu vực từ khách sạn Victoria đến khách sạn Boutique (khoảng 2km), mới nhất là khu vực khách sạn Palm Garden lan lên phía Bắc (khoảng 1km).
Không thể trì hoãn
Tại buổi làm việc, các chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nêu ra ý tưởng đề xuất và giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại như: Giải pháp 1, nuôi bãi, đê ngầm bê tông cao 1,5m, chiều dài 1.025m, rộng 115m, khối lượng cát đổ 295.000m3; Giải pháp 2: mỏ hàn cứng, nuôi bãi khu vực đã quây và 900 phía bắc, tạo được toàn bộ bãi khu vực đã quây (dài 1.100m, rộng 60m) và toàn bộ 900m bãi phía bắc rộng 70,5m, khối lượng cát đổ 323.600m3; Giải pháp 3: mỏ hàn cứng, đê ngầm, nuôi bãi khu vực đã quây và 900m phía Bắc, tạo được toàn bộ bãi khu vực đã quây (dài 1.100, rộng 60m) và toàn bộ 900m bãi phía Bắc, rộng khoảng 52,0m, khối lượng cát đổ 282.000m3. Các giải pháp này cần nguồn vốn đầu tư khoảng 81 tỷ đồng.
Người dân dùng cát chống sạt lở bờ biển.
Theo ông Đinh Văn Thu- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì lãnh đạo tỉnh này đã thống nhất với giải pháp 3 nhưng cần phải xin thêm ý kiến chuyên môn trước khi thực hiện. Nguồn cát không lấy ở sông Thu Bồn và Cửa Đại nữa mà lấy ở bên ngoài hoặc Cửa An Hòa, huyện Núi Thành.
Thực tế thì thời điểm gần đây bờ biển Cửa Đại đang được bồi lấp trở lại. Đoạn từ khu nghỉ dưỡng Victoria kéo về phía khu nghỉ dưỡng Palm Garden, những vệt cát trắng mịn, trải dài. Nhưng người dân ở đây một mặt bày tỏ nỗi vui mừng khi thấy cát bồi lấp trở lại, nhưng mặt khác vẫn lo lắng vì không biết khi mùa mưa bão tình hình sẽ ra sao.
Về việc cát bồi tụ trở lại ở bờ biển Cửa Đại các nhà chuyên môn cho rằng có thể do việc triển khai đóng cọc Larsen và bơm cát vào bở biển của TP Hội An đã bắt đầu phát huy tác dụng. Cùng đó là hiện tượng tự nhiên, thời tiết thời gian gần đây không mưa bão, biển êm đã ưu ái phần nào hạn chế tốc độ sạt lở tại nơi này.
Sạt lở biển Cửa Đại là nỗi lo lớn của người dân và chính quyền địa phương. Làm gì để sớm đem lại sự an bình cho vùng biển này là công việc không thể trì hoãn thêm.