Ngày 1/10/2021, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 05 quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh của công dân. Thông tư này thay thế Thông tư 07/2014. Cùng ngày, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 04/2021 về quy định quy trình tiếp công dân, thay thế Thông tư 06/2014.
Đáng chú ý, tại Thông tư 04/TT-TTCP quy định các trường hợp người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp công dân và phải giải thích cho công dân lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân. Đó là:
- Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.
Riêng với trường hợp người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài; thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân sẽ ra Thông báo từ chối tiếp công dân.
Cả hai Thông tư 05 và 04/2021 có hiệu lực từ ngày 15/11/2021.
Công tác tiếp công dân nói chung và của cơ quan thanh tra nói riêng trước nay được chú trọng trên tinh thần tôn trọng ý kiến, kiến nghị của công dân; bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân. Công tác tiếp công dân dựa trên quy định của pháp luật đã góp phần quan trọng giải quyết, giải tỏa những vướng mắc phát sinh trong cuộc sống. Khi công dân đến trình bày trực tiếp và không có đơn thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung trình bày của công dân. Trường hợp công dân đến trình bày và có đơn với nội dung cụ thể, rõ ràng, có thể xác định được rõ tính chất vụ việc và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Như vậy, quy định về việc tiếp công dân được pháp luật quy định rất cụ thể, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít vụ việc người phản ánh hoặc là không nắm rõ quy định của pháp luật, hoặc vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo cho dù đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo bằng văn bản, theo đúng quy định của pháp luật, khiến cho vụ việc dây dưa, kéo dài.
Thực hành dân chủ, tôn trọng phản ánh, ý kiến, kiến nghị của công dân trong khiếu nại, tố cáo đến cơ quan tiếp công dân, tuy nhiên cũng cần phải “nói không” với những trường hợp cố tình “gây nhiễu”, gây rối. Thông tư 04/2021 về quy trình tiếp công dân xác định rõ những đối tượng bị từ chối tiếp, cũng chính là để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, ngăn chặn những hành vi không đúng mực, sai trái.
Tại cơ quan tiếp công dân, đã từng có trường hợp người khiếu nại, tố cáo trong tình trạng không kiểm soát được bản thân, xúc phạm thậm chí hành hung người có trách nhiệm tiếp công dân. Đó là những hành vi không thể chấp nhận. Cũng lại không ít trường hợp dù đã được giải thích, trả lời bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn “đai đi đai lại”. Có trường hợp “kiện có nghề”, khư khư cho rằng mình đúng, không chấp nhận sự giải thích, giải quyết của cơ quan chức năng cho dù việc đã “rõ như ban ngày”. Họ gây áp lực lên cơ quan chức năng, mà cụ thể ở đây là cán bộ tiếp công dân.
Thật đáng tôn trọng những người dũng cảm đấu tranh với cái xấu, điều ác nhưng mặt khác cũng cần phải kiên quyết với việc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để cố tình gây nhiễu, gây rối, tung hỏa mù, việc bé xé ra to, tạo áp lực với động cơ không trong sáng. Đó cũng chính là sự tôn nghiêm của pháp luật mà không ai được quyền xâm phạm.