Nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em đang ở trong vùng dịch phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã chủ trì lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Mục tiêu của chương trình là kêu gọi đóng góp hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông để các em có điều kiện học tập trực tuyến hiệu quả.
Hiện, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố phải triển khai hình thức dạy và học trực tuyến do tình hình dịch diễn biến phức tạp, phải giãn cách xã hội. Cũng có tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách xã hội nhưng nguy cơ cao vẫn phải học trực tuyến. Trong khi đó, nhiều học sinh, sinh viên khó khăn, thiếu cơ sở vật chất để học trực tuyến.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng số học sinh các cấp đang học trực tuyến tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước ước khoảng 7,35 triệu em. Vậy nhưng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến cần được hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em, chiếm hơn 20% tổng số học sinh, sinh viên đang phải học trực tuyến ở 26 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương vẫn còn những điểm chưa có kết nối mạng di động tới nơi cũng là một khó khăn cho giáo viên và học sinh trong việc triển khai dạy và học trực tuyến. Ngay cả khi học sinh được trang bị máy tính nhưng nếu không có kết nối mạng di động thì cũng chỉ đành bó tay, không thể thực hiện việc học trực tuyến được.
Thấu hiểu những khó khăn đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, để kêu gọi quyên góp hỗ trợ máy tính cho học sinh khó khăn. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan hữu trách tiến hành phủ sóng trực tuyến di động rộng hơn, đảm bảo việc học trực tuyến hiệu quả.
Tính toán sơ bộ cho thấy, hiện còn tới 283 điểm chưa có kết nối mạng di động tại 26 tỉnh, thành phố đang thực hiện việc giãn cách xã hội, 1.910 điểm chưa có kết nối mạng di động trên toàn quốc. Mục tiêu hướng tới của chương trình “Sóng và máy tính cho em” là phủ sóng toàn bộ các điểm chưa có kết nối mạng, đảm bảo kết nối liền mạch cho việc dạy và học trực tuyến.
Chương trình đặt ra mục tiêu huy động được khoảng 1 triệu máy tính để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, gặp khó khăn khi học trực tuyến trên toàn quốc, trong năm 2021. Trước mắt số máy tính huy động được sẽ ưu tiên hỗ trợ cho học sinh gặp khó khăn tại 26 địa phương đang học trực tuyến vì phải thực hiện giãn cách xã hội.
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của cả nước. Vì thế, cần phải thay đổi cách nghĩ, cách vận hành, quản trị xã hội để có thể thích ứng với hoàn cảnh sống mới là điều cần được ưu tiên lúc này. Việc triển khai dạy và học trực tuyến trong bối cảnh kỷ nguyên số là xu thế tất yếu cần phải được quan tâm.
Đó là lý do mà ngay trong lễ phát động, chương trình đã nhận được hơn 1 triệu máy tính (trị giá hơn 2.500 tỷ đồng), 3.000 tỷ đồng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ để đầu tư phủ sóng mạng di động tới các điểm chưa có kết nối mạng tại các tỉnh, thành phố.
Song, để có thể triển khai suôn sẻ, thuận lợi việc dạy và học trực tuyến một cách có hiệu quả, thực chất thì không chỉ cần đến trang thiết bị máy móc, kết nối mạng mà còn cần tới hàng loạt giải pháp đồng bộ khác.
Vì thế, ngành Giáo dục cần có sự đầu tư cơ sở vật chất, xem xét các khía cạnh một cách khoa học để đưa ra những “liệu pháp” chuẩn, đảm bảo việc dạy và học trực tuyến đạt chất lượng thực sự như mong đợi. Hãy vì tương lai đất nước!