[VIDEO] Giun dẹp Dugesia japonica tái sinh mọc 2 đầu trên Trạm Vũ trụ

Theo Vnexpress 17/06/2017 20:40

Theo Science World Report hôm 14/6 đưa tin, trong khi nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường trọng lực yếu và vi địa từ đến sự phát triển của sinh vật, các nhà khoa học tại Đại học Tufts, Mỹ, phát hiện một đoạn cơ thể giun dẹp Dugesia japonica tái sinh và mọc 2 đầu sau 5 tuần trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Giun dẹp Dugesia japonica có khả năng tự tái tạo phần cơ thể bị cắt bỏ.

Loài giun thuộc họ Planaria này thường xuyên được sử dụng trong các nghiên cứu khoa học, do chúng có khả năng tự tái tạo phần cơ thể bị cắt bỏ, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học nhận thấy chúng mọc ra hai đầu đồng thời.

Khi con sâu hai đầu này tiếp tục bị cắt thành ba phần, khúc giữa của nó lại mọc ra hai đầu khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng con giun đã thay đổi trạng thái sinh học của nó để thích ứng với môi trường không gian, điều mà giới khoa học chưa từng chứng kiến trước đây.

Giun dẹp Dugesia japonica tái sinh thành sinh vật hai đầu khi ở trong không gian. Ảnh: Deccan Chronicle.

"Trong quá trình tái tạo, phát triển và ngăn ngừa ung thư, cơ thể sinh vật chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố vật lý như điện trường, từ trường, trường điện từ, và nhiều thứ khác. Chúng tôi muốn tìm hiểu thêm tác động của chúng đối với giải phẫu, hành vi của sinh vật và vi sinh học", Michael Levin, giáo sư tại Đại học Tufts, cho biết.

Theo Business Standard, những con giun sống trong vũ trụ giúp các nhà khoa học quan sát tác động của môi trường không trọng lực và sự thiếu vắng từ tính Trái Đất tới hành vi, cấu tạo sinh vật. Lĩnh vực nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với các du khách không gian, bao gồm cả con người và động vật. Nó cũng giúp phát triển công nghệ sinh học, khoa học tái tạo trong không gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [VIDEO] Giun dẹp Dugesia japonica tái sinh mọc 2 đầu trên Trạm Vũ trụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO