Một loài cá mặt trăng khổng lồ mới được phát hiện sau khi xác một cá thể tình cờ dạt vào bờ biển New Zealand.
Xác loài cá mặt trăng mới dạt vào bờ biển New Zealand. Ảnh: National Geographic.
Sau ba năm tìm hiểu, nhóm nghiên cứu do Marianne Nyegaard thuộc Đại học Murchdoch, Australia, xác định xác cá mặt trăng nặng tới hai tấn dạt vào bờ biển New Zealand năm 2014 là thuộc về một loài mới.
Nyegaard đã phân tích hơn 150 mẫu ADN cá mặt trăng và xác định có 4 loài cá mặt trăng riêng biệt, nhưng giới nghiên cứu mới chỉ biết tới ba loài, còn một loài cá mặt trăng chưa từng xuất hiện trong các ghi chép, National Geographic hôm 20/7 đưa tin.
Các nhà nghiên cứu quyết định gọi loài cá mới là cá mặt trăng hoodwinker, hay Mola tecta, lấy từ từ gốc tectus trong tiếng Latinh có nghĩa là lẩn trốn.
Khi được cơ quan ngư nghiệp New Zealand thông báo có 4 con cá mặt trăng dạt vào bãi biển ở Christchurch năm 2014, Nyegaard lập tức bay tới nơi để xác nhận bằng chứng về loài cá mới này.
Cá mặt trăng sharptail ở quần đảo Galápagos. Video: National Geographic.
Các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học trên khắp thế giới cũng tới đây để thu thập và phân tích mẫu vật từ xác cá để chứng minh nó thuộc loài mới. Họ cũng xem xét những đặc điểm khác biệt của nó so với ba loài cá mặt trăng còn lại.
Kết quả nghiên cứu cho thấy cá mặt trăng hoodwinker trưởng thành có cơ thể trơn láng và thuôn hơn các loài họ hàng. Chúng cũng mọc nhiều bướu như đồng loại, theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Zoological Journal of the Linnean Society.
Nyegaard và cộng sự nhận thấy cá mặt trăng hoodwinker phân bố ở vùng biển New Zealand, Tasmania, phía nam Australia, Nam Phi và nam Chile, cho thấy loài vật tập trung ở những vùng lạnh thuộc Nam bán cầu.
Hình dáng đồ sộ của cá mặt trăng cho phép chúng duy trì nhiệt độ cơ thể khi lặn sâu xuống đại dương để tìm mồi. Kích thước lớn cũng giúp chúng nổi tốt hơn và có thể nhanh chóng bơi lên mặt biển để sưởi ấm.