Tinh hoa Việt

Việc phụ huynh thận trọng, tìm hiểu về trại hè là rất cần thiết

HOÀNG THU PHỐ (thực hiện) 02/06/2024 07:45

Theo TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh, mùa hè của trẻ cần được nhìn nhận như cơ hội trải nghiệm, là “mùa lớn, mùa vui” chứ không phải là “mùa phiền phức”, đau đầu của người lớn. Có rất nhiều cách cùng con thiết kế một kỳ nghỉ hài hòa giữa hoạt động thể chất và tinh thần, và gửi con tham gia trại hè chỉ là một trong những cách đó.

PV: Bước vào kỳ nghỉ hè, nhiều phụ huynh ở các đô thị quan tâm đến các trại hè, khóa học hè. Những năm gần đây, hoạt động này cũng nở rộ, nhiều đơn vị tổ chức với các khung thời gian, các hoạt động khác nhau hướng tới những đối tượng khác nhau. Theo chị, phụ huynh cần lưu ý đến điều gì khi quyết định gửi con tham gia các khóa học hè?

5.thuy-anh(1).jpg
TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh. Ảnh: NVCC.

TS NGUYỄN THỤY ANH: Điều mà bố mẹ cần lưu ý đầu tiên là mong muốn của con hè này. Đây là mùa hè của con cơ mà! Vậy kế hoạch của con thế nào, con mơ ước làm được việc gì, học thêm kỹ năng gì, đi chơi cùng ai, đến khám phá nơi nào, đọc thêm những cuốn sách nào - là những gì bố mẹ nên gợi ý để con suy nghĩ, cùng thảo luận.

Những thông tin về các khóa học, trại hè, những địa điểm, không gian mới lạ cần khám phá - bố mẹ cùng con sẽ thu thập, tìm hiểu, cùng nhau lựa chọn những gì phù hợp và an toàn.

Thời gian vừa qua cũng xuất hiện những quảng cáo mời phụ huynh gửi con tham gia các khóa học, trại hè có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Là người có kinh nghiệm với hoạt động này, chị có thể chia sẻ thêm để các bậc phụ huynh tránh được rủi ro và tìm đến những đơn vị tổ chức uy tín, phù hợp với con em mình?

- Sau khi đã tìm thấy hoạt động phù hợp với mong muốn, sở thích của con, bố mẹ sẽ đánh giá mức độ an toàn, hợp lý của trại hè, khóa học hè đó bằng cách tiếp cận các thông tin: đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm lâu năm và có được phản hồi tốt từ các phụ huynh; đội ngũ chuyên gia thiết kế chương trình cần có sự tham gia của nhà sư phạm hoặc tâm lý giáo dục, sao cho chương trình đảm bảo hợp tâm sinh lý của trẻ, cân đối về vận động, học tập, chơi, lao động và nghỉ ngơi; các hoạt động cần có triết lý và thực sự cần thiết cho trẻ, đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần, lấy quyền lợi của trẻ làm tiêu chí chứ không phải bày ra để trông trẻ kiếm tiền của bố mẹ.

Các phụ huynh có thể xin gặp người quản lý trại để nghe tư vấn và cảm nhận cách họ ứng xử với trẻ em có đủ tôn trọng và có phương pháp hay không. Một kỳ nghỉ hè hoàn toàn có thể mang lại trải nghiệm đẹp và tác động tích cực đến thái độ sống của trẻ nhưng cũng có thể mang lại ám ảnh lo lắng, bất an cho các em. Vì thế, việc các phụ huynh thận trọng tìm hiểu là việc luôn phải làm.

Là người đã và đang tổ chức những trại hè EcoCamp, điều chị mong muốn tạo dựng nhất qua trại hè là gì?

- Tôi mong xây dựng một không gian - một sân chơi an toàn và thú vị, khác biệt so với môi trường sư phạm quen thuộc các em thường tiếp xúc.

Đó là nơi đủ xinh đẹp, đủ rộng rãi, có thiên nhiên thân thiện và nhiều hoạt động phong phú để các em tham gia, có cơ hội giao lưu, gặp gỡ bạn bè từ nhiều nơi, học cách kết nối và giải quyết các vấn đề nảy sinh, thể hiện và khám phá được khả năng của mình trong một số lĩnh vực mới mẻ, được quyền tự quyết định hành động của mình, từ đó thể nghiệm các cảm xúc khác nhau khi ở xa gia đình, phải tự lập…

Các em sẽ dần lớn lên cùng những niềm vui, nỗi buồn trong 10 ngày sống cùng tập thể. Nhưng trên hết, tôi mong các em lưu giữ được kí ức lung linh về những mùa hè ấu thơ để có thái độ sống tích cực sau khi trở về từ trại hè.

Rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử có phải là điều chị quan tâm khi xây dựng khung chương trình của các hoạt động trại hè?

- Chỉ riêng việc sống xa gia đình, tham gia các hoạt động chung cùng tập thể đã là cơ hội nảy sinh vấn đề, va chạm, mâu thuẫn - cơ hội cho trẻ rèn luyện kỹ năng xã hội và các kỹ năng sống khác. Tôi muốn nhấn mạnh - đây là cơ hội của các em. Bài học kỹ năng sống này thực tế hơn mọi bài học mô phỏng, giả định trong lớp học. Các em phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề cần giải quyết.

Ví dụ: Làm sao dậy được đúng giờ mà không uể oải? Món ăn sáng mình không thích thì sao? Giặt đồ sao cho sạch? Mình quen ở nhà tắm rất lâu trong khi có tới 3 bạn xếp hàng đợi đến lượt vào tắm thì phải điều chỉnh thế nào? Có bạn cứ thích dùng dầu gội đầu của mình, mình có đồng ý không? Làm sao để nhắc mọi người giữ phòng mình gọn sạch được nhỉ?…

Kỹ năng ứng xử, giao thiếp, ra quyết định, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn… - tất cả đều được tính đến và đều được rèn luyện ở trại hè. Việc của tôi là quan sát và không can thiệp trực diện, chỉ hỗ trợ từ xa bằng các câu chuyện, trò chơi mang thông điệp chia sẻ với bạn trẻ.

Các hoạt động được thiết kế đều là các tình huống sư phạm giúp các bạn đến gần hơn với cuộc sống. Khi vượt qua các tình huống khó, bạn trẻ sẽ tự hào về mình, thêm tự tin ở khả năng thích ứng của mình và rút ra được những bài học nho nhỏ.

6.jpeg
Khi tham gia trại hè, trẻ sẽ học được thêm nhiều kỹ năng, kết thêm nhiều bạn mới, xây dựng tư duy tự lập... Ảnh: Ecocamp.

Qua hơn 20 trại hè đã tổ chức, điều chị nhận thấy là trẻ em Việt Nam có nhược điểm nào về kỹ năng sống cần khắc phục?

- Một trong những vấn đề lớn của trẻ em Việt Nam lại là vấn đề đến từ… người lớn. Có lẽ, trong môi trường sư phạm quen thuộc, các em đã quen “nghe lời” người lớn, hoặc thực hiện các công việc theo một cách đã được học.

Vì thế, phần lớn các em chưa dám tin vào khả năng thực hiện một việc mới lạ, khác biệt so với khả năng đã được “dán nhãn” của mình. Các em sẽ luôn phân vân khi đưa ra quyết định làm một việc gì đó, tham gia một sự kiện hay lựa chọn một workshop làm việc với chuyên gia. Nhiều em chỉ quyết định khi gọi điện về cho bố mẹ. Chúng tôi khuyến khích các em tự lập bắt đầu bằng phương pháp tư duy - trao cho các em công cụ để có thể ra quyết định: Nghĩ về mong muốn của mình, tự đánh giá mình, ghi ra điểm cộng, điểm trừ của một lựa chọn…

Cũng như thế với các hoạt động tự lập khác, các em học phương pháp suy nghĩ, phương pháp tiếp cận vấn đề, tự đặt câu hỏi để tìm lời đáp chứ không chờ đợi ai nghĩ thay cho mình, đợi người ta hỏi để mình trả lời nữa…

Vấn đề thứ hai của các bạn trẻ là các anh chị em lứa tuổi khác nhau thường kết nối không tốt. Các anh chị lớn không muốn chơi với các em bé, không muốn chia sẻ và thiếu kiên nhẫn trong giao tiếp với các em. Ở trường, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bắt nạt, bạo lực học đường.

Điều này được hóa giải ở trại hè của chúng tôi bằng cách mỗi đội có đủ các lứa tuổi: nhí, nhỡ, lớn. Các em học cách điều hành đội để thực hiện nhiệm vụ được giao. Các anh chị lớn hướng dẫn các em. Các em hỗ trợ các anh chị. Bọn trẻ học cách lắng nghe, kiên nhẫn với nhau hơn. Đó cũng là cơ hội để các em điều chỉnh ứng xử của mình trong gia đình sau này.

Trong trường hợp phụ huynh chưa có điều kiện cho con tham gia các hoạt động trại hè, thì trong tư cách của một nhà hoạt động xã hội - giáo dục, chị có thể tư vấn cho các bậc cha mẹ một số cách để cùng con đi qua mùa hè ý nghĩa?

- Mùa hè của các con cần được nhìn nhận như cơ hội trải nghiệm, là “mùa lớn, mùa vui” chứ không phải là “mùa phiền phức”, đau đầu lo trông con thế nào cho mùa hè qua nhanh. Có rất nhiều cách cùng con thiết kế một kỳ nghỉ hài hòa giữa hoạt động thể chất và tinh thần.

Nhưng quan trọng nhất là phải lên kế hoạch cho từng tuần kẻo hai tháng hè trôi qua lúc nào không biết. Nếu không có điều kiện đi chơi xa, chúng ta lên lịch cho những khám phá tại chỗ.

Hôm nay ở nhà dọn nhà, xem một bộ phim, nấu một món ăn mới, món đồ uống lạ… theo YouTube. Ngày mai đi thăm một bảo tàng, hoặc xem kịch, xem vở chèo, tuồng… Hôm sau đi bơi, đi công viên. Hôm sau nữa đến thăm gia đình một người họ hàng... Nếu để tâm tìm hiểu, luôn có những sự kiện thú vị được diễn ra gần nơi ta ở.

Các gia đình bạn bè thân hoặc họ hàng cũng có thể gửi con sang nhà nhau, mỗi nhà phụ trách bọn trẻ một tuần và chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho hoạt động thú vị, phong phú.

Nếu gia đình có ông bà, họ hàng ở quê thì việc gửi con về quê cũng là cơ hội trải nghiệm cuộc sống tuyệt vời, lại được giao lưu tình cảm với người thân, cho trẻ có thêm cảm xúc gần gũi, thân thuộc với quê hương.

Chúng ta cũng có thể lựa chọn cho con một khóa học hay câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao trong hè.

Ở CLB Đọc sách cùng con của chúng tôi có khoá sinh hoạt hè với các hoạt động đọc, viết, chơi, nấu ăn, thí nghiệm, làm đồ thủ công… khá vui. Ngoài ra có các tour đi thăm bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, các làng nghề quanh Hà Nội.

Đây cũng có thể là ý tưởng để các bố mẹ cùng con thực hiện trong hè. Có bố mẹ đồng hành, mùa hè có thể là mùa có nhiều kỉ niệm của gia đình, là hành trang quý vô cùng để bạn trẻ mang theo sau này khi bước vào đời.

Xin cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc phụ huynh thận trọng, tìm hiểu về trại hè là rất cần thiết