Thường trực Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) vừa tổ chức họp phiên thứ nhất để công bố quyết định thành lập HĐGSNN nhiệm kỳ 2018-2023; thảo luận dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐGSNN, Hội đồng GS ngành, liên ngành, Hội đồng GS cơ sở và dự kiến kế hoạch triển khai quy trình xét đạt chuẩn GS, PGS năm 2019.
Tại cuộc họp, Thường trực HĐGSNN đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐGSNN, Hội đồng GS ngành, liên ngành và Hội đồng GS cơ sở. Thông tư này khi được ban hành sẽ thay thế Thông tư số 25/2013/TT-BGDĐT ngày 15/7/2013 và Thông tư số 05/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014.
Theo kế hoạch, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019 các cấp sẽ được thực hiện từ tháng 7-11/2019. Trước đó, Văn phòng HĐGSNN sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn và quy trình xét công nhận đạt chuản chức danh GS, PGS; xây dựng cổng thông tin của HĐGSNN; xây dựng phần mềm đăng ký online cho các ứng viên; xây dựng phần mềm đánh giá, xếp hạng online các tạp chí khoa học của Việt Nam để tính điểm các bài báo khoa học của ứng viên…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ- Chủ tịch HĐGSNN cho biết, phiên họp đầu tiên của Thường trực HĐGSNN nhằm khẳng định tinh thần đổi mới của Hội đồng trong nhiệm kỳ mới, đáp ứng kỳ vọng của xã hội về việc nâng cao chất lượng ứng viên GS, PGS. Theo đó, quy định mới về bổ nhiệm chức danh GS, PGS được Thủ tướng ban hành vào tháng 8/2018 với những yêu cầu cao hơn hẳn so với quy định cũ đã tạo ra hành lang quan trọng để công tác xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS các cấp có bước tiến từ năm 2019.
Về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐGSNN, Hội đồng GS ngành, liên ngành và Hội đồng GS cơ sở, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, phải sớm hoàn thiện để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi bằng nhiều hình thức, đảm bảo quy chế sát với yêu cầu thực tiễn, nhận được sự đồng thuận của trong và ngoài giới khoa học.