Viêm tụy cấp - căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ

BS Lê Trâm Anh (Chuyên khoa Nhi, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam) 21/08/2023 10:00

Nhiều người cho rằng viêm tụy cấp chỉ gặp ở người lớn nhưng thực tế bệnh viêm tụy cũng xảy ra ở trẻ em và có dấu hiệu không rõ ràng. Nếu chậm phát hiện, không đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời trẻ sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Viêm tụy cấp là một rối loạn nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong từ 5 – 15%, tùy thuộc vào nguyên nhân, tuổi và bệnh đi kèm. Tuyến tụy là một cơ quan của hệ tiêu hóa, tiết ra các men tiêu hóa giúp tiêu hóa các chất đường, đạm và mỡ từ thức ăn.

Viêm tụy là sự tự tiêu hủy của tuyến tụy, gây ra do men tụy, lan đến mô xung quanh và các cơ quan xa. Viêm tụy cấp có nhiều nguyên nhân như sỏi túi mật, thuốc, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn chức năng,… nhưng ở trẻ em thường không tìm được nguyên nhân, bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nặng dẫn đến tử vong.

Theo nghiên cứu, khoảng 10-30% tổng số ca bị viêm tụy cấp ở trẻ do mắc bệnh lý về đường mật như bị sỏi túi mật, sỏi nhỏ và cặn bùn đường mật...

Có khoảng 10-50% nguyên nhân viêm tụy cấp xuất phát từ các bệnh lý toàn thân như nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, nhiễm độc... Có khoảng 5-25% nguyên nhân viêm tụy cấp ở trẻ em là do sử dụng các loại thuốc như Salicylate, Azathioprine, Valproic acid, Metronidazole,...; Khoảng 10-20% do chấn thương. Có 5-10% do mắc bệnh rối loạn chuyển hóa, có 15-30% không tìm được nguyên nhân.

Dấu hiệu lâm sàng để nhận biết viêm tụy ở trẻ là bệnh khởi phát đau bụng xảy ra đột ngột. Thường đau trên rốn, có thể đau thượng vị, 1/4 trên phải, hay đau bụng trái. Tuy nhiên, biểu hiện đau bụng dễ nhầm với các bệnh lý thông thường khác.

Cơn đau bụng dữ dội đạt đến ngưỡng sau 10-20 phút, có thể kéo dài nhiều giờ. Không có tư thế giảm đau, có thể nôn ra máu, sau nôn không giảm đau. Do đó, khi trẻ có những triệu chứng trên cần được chẩn đoán điều trị kịp thời.

Mặc dù viêm tụy là một bệnh lý ít gặp ở trẻ em nên các dấu hiệu bệnh thường bị bỏ qua. Nếu chẩn đoán và xử trí muộn diễn tiến bệnh sẽ phức tạp (mất nước do nôn nhiều, hạ huyết áp, bụng chướng, hạ canxi máu…), tuyến tụy bị hoại tử và xuất huyết làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ có thể dẫn đến tử vong.

Do vậy, khi trẻ có triệu chứng nôn nhiều, cha mẹ cảm thấy lượng trẻ nôn ra nhiều hơn lượng trẻ ăn vào cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.

Đối với các trường hợp viêm tụy cấp có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần được điều trị bằng kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng.

Theo khuyến cáo, chỉ nên dùng kháng sinh để điều trị viêm tụy cấp trong trường hợp có bằng chứng về nhiễm trùng. Bởi vì việc dùng kháng sinh nếu không đúng chỉ định, ngoài vấn đề chi phí thì có thể làm chậm và giảm lượng dịch truyền cần thiết của người bệnh, nhất là trong 24-48 giờ đầu sau khi nhập viện. Ngoài ra, việc xử trí viêm tụy cấp còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh mà các bác sĩ chỉ định cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viêm tụy cấp - căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO