Trao đổi với lãnh đạo Viện, ông Phạm Văn Linh - Việc trưởng Viện KHKT NN Bắc Trung Bộ nhấn mạnh “Với sự phát triển của KHCN trong thời đại mới được diễn ra trên tất cả các lĩnh vực đã mang lại một thay đổi to lớn cho nhân loại.
Ban lãnh đạo và cán bộ Viện KHKT NN Bắc Trung Bộ bên mô hình “Sản xuất giống khoai lang ngoài động ruộng G2” tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Đối với ngành nông nghiệp, đó còn là “bước tiến” để thay đổi nền nông nghiệp “cũ kỹ” xưa kia. Bởi, khi ứng dụng KHCN vào sản xuất, không những mang lại hiệu quả vượt trội mà nó còn giúp cho con người đỡ phải “chân lấm tay bùn”, thậm chí tạo ra hàng ngàn sản phẩm thay đổi cả một thời kỳ. Do đó, nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp là điều tất yếu”. Và Viện KHKT NN Bắc Trung Bộ chính là một trong những trung tâm như thế.
Không cần phải nói về lịch sử của Viện thì người dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã quá quen thuộc với các sản phẩm nông nghiệp mà đơn vị này nghiên cứu, nhân giống, chuyển giao, ứng dụng vào thực tế trong thời gian qua.
Mặc dù hơn 10 năm phát triển nhưng con số các loại giống mà đơn vị này nghiên cứu đã gấp mấy trăm lần số tuổi. Một con số nói lên rằng, chỉ có nghiên cứu, nghiên cứu và nghiên cứu mới ra được những con số như thế.
Chỉ tính trong năm 2016, trong công tác khoa học và hợp tác quốc tế Viện đã chủ trì và phối hợp thực hiện 17 đề tài/dự án với tổng kinh phí hơn 11,7 tỷ đồng, trong đó có 2 đề tài cấp Bộ, 2 dự án sản xuất giống, 1 dự án sản xuất thử nghiệm, 4 dự án khuyến nông, 1 dự án HTQT, còn lại là các nhiệm vụ phối hợp.
Đối với công tác nghiên cứu cơ bản, Viện đang lưu giữ tập đoàn gồm 90 dòng/giống sắn, 4 loài cây ăn quả có múi với tổng số 177 mẫu giống. Trong đó: Cam 32 mẫu giống; Quýt 38 mẫu giống; Bưởi 99 mẫu giống và Chanh 8 mẫu giống. Đã cấp phát 84 lượt mẫu nguồn gen cây ăn quả có múi với mục đích phát triển sản xuất và bảo tồn nguồn gen.
Ông Phạm Văn Linh - Viện trưởng Viện KHKT NN Bắc Trung Bộ thăm cánh đồng lạc do những kỹ sư của Viện tạo nên.
Phục tráng, nhân giống 78 mẫu nguồn gen bị suy thoái do tuổi cây già (trồng tháng 8 năm 2001), lưu giữ tập đoàn gồm 45 giống cao su trồng năm 2004 và 30 giống trồng năm 1994 : Có 3-5 giống cho năng suất lý thuyết trên 2 tấn mủ khô/ha: Giống số 02: LH91/579, giống số 28: LH96/308 giống số 9: LH94/481, PB 280, RRIM 712, IAN 873.
Ngoài ra, Viện còn lưu giữ 5 cây/mẫu nguồn gen gồm 11 nhóm loài cây trồng có nguồn gốc địa phương với tổng số 165 mẫu giống. Lưu giữ 5 cây cam Xã đoài tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An và 25 cây So sạch bệnh trong nhà lưới.
Nổi bật nhất là kết quả nghiên cứu ứng dụng, Viện đã nghiên cứu, nuôi cấy mô được 50.000 cây giống khoai lang sạch bệnh (gồm giống: Hoàng Long, KL5, Chiêm dâu và KTB2). Đã phối hợp với tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí – CTCP về việc phân tích đánh giá độ phì đất và xây dựng quy trình bón phân hợp lý cho một số cây trồng chính khu vực huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp như cây cao su, bưởi, cam, quýt.
Trong nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng mới Viện đã tạo được giống lúa BoT1, giống sắn STB1 đã được Bộ NN&PTNT có quyết định cho công nhận sản xuất thử.
Giống Bưởi Hồng Quang Tiến được Bộ NN&PTNT thông qua hội đồng cho công nhận chính thức. Với kết quả chuyển giao TBKT, Viện đã tổ chức sản xuất giống gốc, SNC các giống lúa Nếp 98, Nếp 97, HT1, BoT1, NTP3, đã chuyển giao được 6 tấn giống nếp 97; 5 tấn giống Nếp 98 và 5 tấn giống lúa HT1. Chuyển giao bổ sung thêm 3 tấn các giống lúa BoT1, BQ và NPT3 để gieo bổ sung.
Ngoài ra còn nhân giống được giống Khoai lang, duy trì và nhân được 21,2 tấn lạc SNC…. giống quýt Phủ Quỳ, giống bưởi hồng Quang Tiến, thử nghiệm và xác định được giống ngô VS71 thích hợp cho vùng Bắc Trung Bộ, năng suất đạt trên 65 tạ/ha, mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc, vụ Xuân 2016 với quy mô 40 ha tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, năng suất đạt từ 35 - 40 tạ/ha.
Tiếp đó, xây dựng mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô chuyển đổi tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình với quy mô 90 ha, năng suất ngô tại các điểm đạt từ 60 - 65 tạ/ha. Hiệu quả của mô hình sản xuất ngô chuyển đổi từ đất lúa đạt từ 10 đến 14,9 triệu đồng/ha.
Như vậy, với việc chọn, tạo phát triển những giống có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu của vùng Bắc Trung Bộ Viện KHKT NN Bắc Trung Bộ đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân.
Bên cạnh đó, năm 2016, Viện đã được đón tiếp nhiều lượt đoàn quốc tế vào thăm và làm việc tại Viện để khảo sát thị trường nông sản chủ lực tại Nghệ An, hợp tác nghiên cứu nước điện giải, khảo sát điểm triển khai các dự án của trung tâm Kopia Việt Nam tại Nghệ An từ Nhật Bản và Hàn Quốc, phối hợp, ký kết với các địa phương trong vùng xây dựng nhiều mô hình về các loại cây, giống có giá trị.