Được ví như “Hạ Long trên núi”, hồ Thác Bà đang là điểm đến sơn thủy lãng mạn và giàu trải nghiệm hấp dẫn bậc nhất ở Tây Bắc, mang tầm vóc của một Khu du lịch quốc gia.
Các chuyên gia Liên Xô khi giúp đỡ Việt Nam xây dựng thủy điện Thác Bà cách đây 50 năm - thủy điện đầu tiên ở nước ta tiếp sức chủ lực cho dòng điện Tổ quốc sau khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, đã từng nêu ý kiến rằng trong tương lai đất núi Yên Bình (Yên Bái) sẽ trở thành địa danh du lịch hấp dẫn nhất nhì vùng Tây Bắc.
Một vùng hồ nhân tạo hiện ra thắng cảnh sơn thủy tuyệt đẹp với hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ và những hang động huyền ảo, Thác Bà còn là chứng tích lịch sử nổi tiếng và đã được công nhận quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1986.
Chuyển đổi canh tác nông nghiệp thích ứng với điều kiện tự nhiên vùng đất núi sau khi hồ nhân tạo hình thành, phát triển vận tải thủy, nuôi trồng thủy sản, và cả khích lệ người dân, doanh nghiệp làm du lịch nhằm thoát nghèo, những nỗ lực dài hơi của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã bắt đầu được đền đáp xứng đáng khi cách đây gần 2 năm, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đây là điều kiện, cơ hội thuận lợi để huyện Yên Bình nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung đẩy mạnh khai thác, phát triển du lịch hồ Thác Bà và ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh Yên Bái và huyện Yên Bình đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát triển khai dự án, trong đó nổi bật là dự án phát triển du lịch, dịch vụ của tập đoàn Alphanam và khảo sát của tập đoàn Sungroup. Nhan sắc hồ Thác đang đứng trước vận hội mới.
Đất Yên Bình có quả bưởi Đại Minh ngon ngọt “tiến Vua”, có cá sạch đặc sản khác biệt, có đêm trăng đẹp như luyn mặt nước, có muôn vàn đảo xanh nối nhau bất tận, có động Thủy Tiên mê hoặc khách du, có núi Cao Biền thăm thẳm đất giời, có bản sắc văn hóa của cộng đồng 13 dân tộc anh em, có sơn thủy nghỉ dưỡng và trải nghiệm khám phá...
Nhiều nhà nhiếp ảnh nổi tiếng phải thốt lên rằng khó có tác phẩm nghệ thuật nào diễn tả hết vẻ đẹp thú vị và lãng mạn hồ Thác nếu bạn chưa một lần trực tiếp đến nơi này mà cảm nhận.
Theo ông An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình, từ một huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong huyện, địa phương này đã đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện năm nay. Tỷ lệ giảm nghèo đạt hơn 4% - về đích sớm 2 tháng so với kế hoạch, vận động hỗ trợ làm nhà cho 226 hộ gia đình khó khăn về nơi ở, xây dựng gần 100 km đường giao thông nông thôn, phát triển nhiều mô hình du lịch cộng đồng mới.
Ông An Hoàng Linh cho biết, huyện triển khai hiệu quả các dự án chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đặc biệt, như bưởi Đại Minh, cá hồ Thác, gạo Bạch Hà, gà Linh Môn (năm nay đã có gần 110.000 lượt khách du lịch đến với hồ Thác Bà). Đây cũng là địa bàn ghi điểm cao về trồng rừng (tiếp tục trồng thêm 220 ha rừng vụ thu, nâng diện tích rừng trồng mới của toàn huyện đạt 3.450 ha) ở Tây Bắc. Tính đến cuối năm nay Yên Bình có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thu ngân sách gần 300 tỷ đồng.
Hiện toàn huyện có 235 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 482 tổ hợp tác và trên 2.500 hộ kinh doanh cá thể. Mỗi năm giải quyết gần 3.000 việc làm mới cho người lao động. Tổng giá trị sản xuất của các thành phần kinh tế năm 2020 ước đạt trên 13.000 tỷ đồng. Chỉ 5 năm qua, đã có 61 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 16.000 tỷ đồng và 11,14 triệu USD; đến nay đã có 33 dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động hiệu quả. Đáng kể cho đầu tư công nghiệp phải kể đến nhà máy may Dae Seung Global, Bảo Lai...