Năm nay, nhạc sĩ Phạm Tuyên ở tuổi 95. Ông vẫn còn khá minh mẫn.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 12/1/1930 tại ngôi nhà số 5 phố Hàng Da (Hà Nội). Nhưng ông gắn bó với căn phòng số 305, nhà N2, khu tập thể Vạn Bảo (Ba Đình, Hà Nội). Ông là con thứ 9 của ông chủ bút báo Nam Phong - Phạm Quỳnh, từng nổi tiếng với câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” từ những năm đầu thế kỷ trước.
Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Tuyên, mỗi người, mỗi lứa tuổi lại nhớ tới những ca khúc khác nhau của ông. Không hẳn bởi Phạm Tuyên là người viết khỏe, với gia tài lên tới hơn 700 ca khúc, trong đó riêng ca khúc thiếu nhi đã hơn 200 bài.
Mà bởi, sự nghiệp âm nhạc của ông đa dạng, ông viết nhạc cách mạng, nhạc cho thiếu nhi, nhạc cho người lớn, rồi cả những bài tình ca về quê hương, đất nước.
Và quan trọng hơn, ở mảng đề tài nào, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng có cách riêng, để ông viết và không lẫn, để những giai điệu viết ra chạm đến trái tim khán thính giả. Điều thú vị hơn, là nhiều sáng tác của ông đã không bị cũ đi, lạc hậu, hoặc “hoàn thành nhiệm vụ” sau một sự kiện, một quãng thời gian…
Trong đời sống âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên được ví là “người chép sử bằng âm nhạc”.
Với cá nhân tôi, nhắc đến nhạc sĩ Phạm Tuyên là nhớ tới các giai điệu: “Trường của cháu là trường mầm non”, “Cô và mẹ”, “Cả tuần đều ngoan”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Chúng em là học sinh lớp Một”, “Chiếc đèn ông sao”, “Chú voi con ở Bản Đôn”, “Cánh én tuổi thơ”… ; “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Con kênh ta đào”, “Bài ca những người thợ mỏ”, “Gửi nắng cho em”…
* Viết nhạc cho mỗi đối tượng đều có những nét khác nhau. Tôi nghĩ rằng, viết về người chiến sĩ nếu không trải qua cuộc đời binh nghiệp thì khó có thể cảm nhận để mà sáng tác mà nếu đã qua rồi, hiểu rồi thì sẽ thuận lợi hơn.
* Có nhiều người nói với tôi rằng: Tôi chính là một nhà báo khi thể hiện các tác phẩm báo chí qua âm nhạc và thông điệp âm nhạc có tính báo chí mạnh mẽ, nhất là bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Nhà thơ Bế Kiến Quốc lúc còn sống cũng có lần chia sẻ rằng những bài hát của tôi là cột mốc về lịch sử, là biên niên sử bằng âm nhạc. Anh dẫn chứng rằng: Văn Cao có “Tiến quân ca”, Đỗ Nhuận có “Giải phóng Điện Biên”, Lưu Hữu Phước có “Giải phóng Sài Gòn” còn Phạm Tuyên là bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Khi đó, tôi cũng trả lời rằng không dám nhận lời khen ấy song tôi cảm ơn môi trường báo chí, chính nó đã khiến tôi khác với một số nhạc sĩ khác.
* Tôi biết ơn môi trường công tác đã tạo cho tôi những xúc cảm chân thành, phù hợp với mọi người. Môi trường đó là báo chí đấy. Tôi công tác một thời gian rất dài ở Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó là Đài Truyền hình Việt Nam.
Tôi nghĩ chính môi trường ấy tạo điều kiện để tôi theo dõi từng ngày các bước phát triển của đất nước qua 2 cuộc chiến tranh. Nếu không sống trong một môi trường luôn gắn với thời sự của đất nước thì cũng không thể nào có những xúc cảm mãnh liệt như thế. Có những bài viết, có những tác phẩm khi được truyền tải qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam thì nó có sự cộng hưởng của đời sống rất nhiều.
* Tôi nhận ra rằng, trong xã hội, có những người rất tốt và biết cảm thông với hoàn cảnh của mình nhưng cũng sẽ có những người rất định kiến với mình. Tuy nhiên, không vì thế mà mình được phép "đầu hàng" và buông xuôi tất cả.
* Tôi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất”. Nhưng không phải là khi bước chân vào con đường âm nhạc tôi đã viết về đề tài này.
* Đúng là không có bộ môn nghệ thuật nào đến gần các cháu bằng âm nhạc. Lúc tôi làm cán bộ văn hóa ở Trường thiếu sinh quân Việt Nam, tôi bắt đầu viết những bài đầu tiên. Sau này, tôi luôn nhận được câu hỏi: “Đối tượng đầu tiên ông viết về ai?” Tôi trả lời: “Tôi viết về anh bộ đội và thiếu sinh quân”.
* Sau này, tôi sáng tác cho thiếu nhi là nhờ có nhà tôi đứng đằng sau hỗ trợ, giúp đỡ, cho tôi tìm hiểu về đối tượng này thì chắc tôi không thể có những ca khúc như thế. Nhà tôi là Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em, là Chủ nhiệm khoa đầu tiên khoa Giáo dục Mầm non Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho nên bà phân tích: trẻ em từ mẫu giáo đến tiểu học, đến trung học không thể giống nhau.
Các em ở lứa tuổi mầm non thì không thể hát “Tiến lên đoàn viên” được. Các em ở tuổi đang lớn cũng không bao giờ hát “Cô và mẹ” cả. Tại sao? Vì mỗi lứa tuổi có đặc điểm riêng về tâm lý, sinh lý. Nên về âm nhạc phải viết phù hợp.
* Mỗi tác phẩm của tôi ra đời, vợ tôi là người nghe đầu tiên. Là một giảng viên về tâm lý, bà giúp tôi nhận xét tác phẩm viết như thế có phù hợp với lứa tuổi đó không? Tôi nhận ra viết cho thiếu nhi vừa là vấn đề thử nghiệm vừa là vấn đề sư phạm.
Để viết cho thiếu nhi, không chỉ cần hiểu biết về tâm lý lứa tuổi mà cả về vấn đề sinh lý cũng quan trọng bởi tầm cữ giọng của từng lứa tuổi cũng khác nhau. Cho nên tôi viết không chung chung mà viết từ mẫu giáo, thiếu nhi đến thiếu niên.
* Sự thực mà nói, nếu không có tình yêu chân thật thì cũng khó có được tác phẩm. Có người nói là tôi chỉ viết toàn đề tài chính luận, nhưng không phải đâu. Khi con tôi và các bạn lục các danh mục, xem sổ sáng tác viết tay của tôi thì thấy không ít tác phẩm viết về tình yêu.
Khi nhắc đến tên những tác phẩm ấy thì họ đều hỏi là có phải ông viết cho bà ấy không? Tôi nói là trong tất cả các tác phẩm, dù tôi phổ thơ của các nhà thơ nữ thì đều có hình bóng vợ tôi trong đó. Tôi chỉ nghĩ là chừng nào người viết còn có tình cảm chân thật thì nó sẽ động đến trái tim của mọi người và sẽ có sự đồng cảm, sự cộng hưởng nhất định. Đó là điều tôi rút ra trong kinh nghiệm cuộc sống của mình.
* Với trẻ em, học mà chơi, chơi mà học, cho nên các ca từ trong một bài hát luôn phải nhẹ nhàng, trong sáng nhưng vẫn phải có tính giáo dục trong ấy, đặc biệt là phải giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, bởi các cháu còn đang ở tuổi học ăn, học nói. Bây giờ, tôi thấy nhiều nhạc sĩ trẻ học hành cao lắm, giỏi về nhạc nhưng ca từ kém quá, tính văn học trong ca từ không có, nhiều khi lại còn chêm cả tiếng Anh vào.
* Cái khó của ca khúc thiếu nhi là phải thích hợp ngay cả những lúc các em vui chơi. Cái khó của ca khúc thiếu nhi là phải thích hợp ngay cả những lúc các em vui chơi.
* Phần thưởng lớn nhất của tác giả là bài hát, tác phẩm của mình có chỗ đứng trong kỷ niệm, trong sự ghi nhớ của đời sống.
* Tầm vóc của giải thưởng phải phản ánh đúng tầm vóc của tác phẩm. Tác phẩm lớn lại phải do nhiều yếu tố quyết định.
Bây giờ, nếu công chúng yêu cầu tôi sáng tác một bài hát hay hơn “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”... tôi phải từ chối, bởi điều đó không đơn giản chút nào!
* Khi cảm xúc lên tiếng, viết bằng tấm lòng chân thành mà phù hợp với nhịp đập trái tim của nhiều người thì tác phẩm nào cũng sẽ có sức sống.
* Trẻ con thẩm định tác phẩm theo cách của chúng, đó là hay thì nhớ, dở thì quên.
* Càng đi sâu vào âm nhạc, tìm đến cả kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta, tôi lại thấy tâm hồn mình phong phú hơn và hết sức biết ơn cha ông ta đã để lại cho con cháu ngày nay những âm điệu tuyệt vời, những tiếng nói âm nhạc riêng, khẳng định chỗ đứng con người Việt Nam trên dải đất này.
* Âm nhạc chân chính làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng gần với những cái gì tốt đẹp nhất của loài người, và làm cho mỗi người biết sống một cách cao đẹp hơn.
Hơn nửa thế kỷ “Chiếc gậy Trường Sơn”
Bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” là một ca khúc để lại nhiều dấu ấn với tôi bởi được viết trong thời điểm đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Tôi viết ca khúc này vào mùa hè năm 1967, ở làng Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Lúc đó, tỉnh mời tôi và nhạc sĩ Hoàng Vân đi viết bài, chúng tôi đã đến nhiều địa điểm và về làng Hòa Xá nghỉ tại trụ sở của Ủy ban xã. Gần đến sáng, tôi bỗng thấy bước chân chạy dồn dập, tôi hỏi ông Chủ tịch xã xem có chuyện gì thì đồng chí này cho biết đang chuẩn bị luyện tập rèn luyện sức khỏe để vượt Trường Sơn đi cứu nước. Tôi đứng trên gác nhìn xuống thấy nhiều thanh niên còn rất trẻ, mỗi người đeo trên vai một cái ba lô nặng, tay chống gậy tập hành quân. Ngày hôm sau, xã tổ chức tiễn các thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự tại nghĩa trang liệt sĩ của địa phương.
Hôm đó tôi ngạc nhiên lắm bởi tình cảm của người vào chiến trường và người ở lại dành cho nhau rất sâu đậm. Các thanh niên chuẩn bị nhập ngũ trước lúc lên đường thì tặng người ở lại những chiếc nhẫn làm bằng xác máy bay, còn người ở nhà tặng cho những thanh niên chuẩn bị vào chiến trường mỗi người một chiếc gậy gọi là gậy Trường Sơn. Khi về đến Hà Nội, tôi viết ngay bài “Chiếc gậy Trường Sơn”, ca sĩ Mạnh Hà hát lần đầu trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Khi ca khúc được phổ biến rộng rãi thì bà con làng Hòa Xá rất vui và nói với nhau rằng, trong bài này không có chữ nào nói về người dân Hòa Xá nhưng thể hiện tinh thần của tuổi trẻ vượt Trường Sơn đi cứu nước nên người dân nơi đây rất tự hào. Đến nay, mỗi khi có dịp về Hòa Xá, tôi như được trở về quê hương của mình bởi bà con nơi đây coi tôi như công dân của làng. Có lần, tôi về thăm làng Hòa Xá thì thấy có một nhà lưu niệm rất lớn đặt tên là Nhà lưu niệm chiếc gậy Trường Sơn.
NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN